Đấu giá đất “vàng" các sở, ngành: Phải tuân thủ quy hoạch

Việc tiến hành đấu giá trụ sở của 8 Sở, ngành để di dời về khu liên cơ trên đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ, Hà Nội) chắc chắn sẽ đem cho UBND thành phố Hà Nội một số tiền lớn. Nhưng việc đem đấu giá những khu đất “vàng” này liệu có khả quan trong khi, mật độ dân số ở các khu vực nội đô đang ngày càng tăng cao một cách đáng báo động.
Sở Tài chính tại số 38B Hai Bà Trưng được coi là mảnh đất “vàng” trong các trụ sở sắp di dời về khu liên cơ.
Sở Tài chính tại số 38B Hai Bà Trưng được coi là mảnh đất “vàng” trong các trụ sở sắp di dời về khu liên cơ.

UBND thành phố Hà Nội cho biết trong thời gian tới sẽ có chủ trương bán đấu giá trụ sở một số Sở, ban ngành nhằm tạo nguồn vốn xây dựng khu liên cơ thứ 2 tại số 52 Lê Đại Hành. Các trụ sở này thuộc các Sở, ban ngành được di dời về khu liên cơ hành chính trên đường Võ Chí Công, dự kiến việc di dời sẽ hoàn thành vào khoảng giữa năm 2018.

Theo đó 8 sở ngành sẽ được tiến hành di dời bao gồm: Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Quy hoạch và kiến trúc, Tài nguyên và môi trường, Khoa học và công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội.

Những mảnh đất “ vàng” với giá trị lớn

Với quy mô gồm 27 tầng và 2 tầng hầm, tổng diện tích gần 50.000m² khu liên cơ sẽ là nơi tập chung làm việc của 8 Sở, ngành. Các sở, ngành tập chung về đây sẽ tạo thuận lợi cho các cá nhân, doanh nghiệp khi liên hệ công việc, tiết kiệm được nhiều loại chi phí như: chi phí bảo trì, sửa chữa trụ sở, chi phí đi lại của cán bộ, chi phí gửi công văn, thư từ, chi phí đường truyền internet..

Với việc di dời 8 sở, ban ngành về một khu Liên cơ sẽ giải phóng cho thành phố Hà Nội một quỹ đất rất lớn chính là trụ sở cũ của các sở ban ngành. Trong đó có nhiều trụ sở thuộc những vị trí “đắc địa” có giá trị vô cùng lớn. Ngoài trụ sở Sở Xây dựng tại số 52 Lê Đại Hành, dự kiến sẽ là nơi xây dựng khu Liên cơ thứ 2 thì các trụ sở còn lại được UBND thành phố Hà Nội chủ trương đem ra đấu giá và lấy quỹ đất để mở rộng các hạng mục sân vận động Hàng Đẫy. Có giá trị nhất trong số này phải kể đến trụ sở Sở Tài chính nằm tại số 38B Hai Bà Trưng (Hoàn Kiếm), với một vị trí rất đẹp khi nằm gần trung tâm thương mại Tràng Tiền và chỉ cách Hồ Hoàn Kiếm khoảng 100m, nhiều người đánh giá đây là mảnh đất “vàng” có tiền cũng chưa chắc mua được.

Trên thực tế giá trị của khu đất này đã từng được chứng minh khi nhiều năm trước đây, để sở hữu được khu đất đối diện trụ sở này, một tập đoàn đã từng phải bỏ ra số tiền đền bù lên tới gần 1 tỷ đồng/m² cho những hộ dân cuối cùng di dời, đây được xem là một con số “khủng” đối với giao dịch bất động sản tại thời điểm đó. Chính vì thế, muốn sở hữu được khu đất này thì người mua chắc chắn cũng sẽ phải bỏ ra một khoản tiền không hề nhỏ.

Ngoài trụ sở Sở Tài chính, các trụ sở còn lại cũng đều nằm tại những vị trí đẹp và có giá giao dịch trên thị trường ở mức cao như: trụ sở Sở Quy hoạch & Kiến trúc trên trục đường Tràng Thi, giá giao dịch trên thị trường ở mức 800-900 triệu đồng/ m², Sở Tài nguyên - Môi trường nằm trên trục đường Huỳnh Thúc Kháng có giá giao dịch thị trường khoảng 400-450 triệu đồng/ m², Trong khi đó, các sở ngành trên trục đường Nguyễn Trãi, Hà Đông do xa khu vực nội đô nên có giá thấp hơn dao động khoảng 250-300 triệu đồng/ m².

Nếu trụ sở của các sở ngành được đem ra đấu giá thành công, thì thành phố Hà Nội sẽ thu về một số tiền vô cùng lớn có thể lên tới hàng trăm cho đến hàng nghìn tỉ đồng và đủ cho UBND thành phố có thể yên tâm về nguồn vốn xây dựng khu liên Cơ thứ 2.

Phải tuân thủ quy hoạch

Chủ trương bán đấu giá các trụ sở của UBND thành phố Hà Nội nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận, tuy nhiên các chuyên cho rằng, để tránh những bất cập liên quan đến quy hoạch, việc đấu giá cho đầu tư xây dựng cần phải xem xét đến nhiều yếu tố.

Trao đổi với phóng viên, TS. Phạm Gia Yên, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng: Việc UBND thành phố Hà Nội có chủ trương bán đấu giá các trụ sở các Sở, ngành để lấy nguồn vốn xây dựng khu liên cơ 2 là thiết thực. Tuy nhiên dù sử dụng vào mục đích gì vẫn phải tuyệt đối tuân thủ quy hoạch gốc và quy hoạch phân khu. Việc xây dựng những cao ốc sẽ đem lại cho chủ đầu tư lợi nhuận rất lớn, nhưng điều đó sẽ gây những hậu quả trong tương lai như ùn tắc giao thông, ngập lụt trong đô thị.

Cần xác định rõ ràng về công trình sẽ xây dựng, chiều cao cũng như mật độ nhằm giúp các chủ đầu tư có cơ sở đấu giá. Nên nghiên cứu kỹ và xác định quy hoạch từ ban đầu, tránh việc điều chỉnh quy hoạch trong tương lai, trước khi đấu giá cần công khai quy hoạch để người dân tham khảo rồi mới đem đấu giá theo đúng trình tự của pháp luật.

TS. Phạm Gia Yên nhấn mạnh thêm: Cần rút kinh nghiệm sâu sắc, bởi lâu nay trong quy hoạch thành phố, hệ thống nhà ga, bến xe, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp có chủ trương rời ra khỏi nội thành để tăng diện tích cây xanh, và xây dựng các công trình công cộng, tuy nhiên rất nhiều công trình đã bị biến tướng, xây dựng không đúng mục đích gây rất nhiều bức xúc trong dư luận.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây bày tỏ: Vấn đề quan trọng không phải là bán cho ai mà là bán để sử dụng vào mục đích gì. Tuy nhiên dù làm gì, xây gì cũng phải tuân thủ theo quy hoạch chung của thành phố cũng như quy hoạch phân khu, cần nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể xây dựng được công trình phù hợp với từng vị trí.

Ông Liêm cũng cho rằng, nên xác định trước công trình sẽ xây dựng vì đây đều là những vị trí đẹp nên khi đấu giá chắc chắn các chủ đầu tư sẽ phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn, do vậy việc xây dựng những công trình nhằm khai thác tối đa vị trí của khu đất là điều không tránh khỏi, điều này dễ dẫn đến việc tăng mật độ dân số tại các khu vực trung tâm thành phố.

“Nên giao cho đơn vị khác tổ chức đấu giá, UBND thành phố Hà Nội sẽ có nhiệm vụ giám sát, như vậy sẽ tăng tính khách quan, minh bạch” Ông Liêm cho biết thêm.

Chuyên đề