Một góc Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình. Ảnh: Internet |
Vinachem bỏ qua cảnh báo của 4 bộ?
Là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành công thương trước đây với kết quả kinh doanh thua lỗ kéo dài qua nhiều năm, vậy nên kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) với những con số thiếu tích cực về Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình dường như không khiến dư luận bất ngờ.
Theo KTNN, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo HĐQT Tổng công ty Hóa chất Việt Nam chịu trách nhiệm lập kế hoạch đàm phán làm cơ sở trình Chính phủ hai bên (Việt Nam và Trung Quốc) xem xét, quyết định nếu Dự án có hiệu quả và xin ý kiến của các bộ, ngành.
Cụ thể, năm 2005, Bộ Khoa học và Công nghệ cảnh báo, "sản xuất phân đạm từ nguyên liệu than cám để có lãi và đạt hiệu quả kinh tế là việc làm khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro về vốn đầu tư”.
Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng lưu ý: “Hiệu quả tài chính của Dự án không cao và đề nghị Bộ Công nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ hiệu quả thực tế và cơ chế xử lý rủi ro trong đầu tư và vận hành sau này”.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã từng đề nghị rà soát các chi phí trong Dự án để hạ giá thành, đảm bảo khả năng cạnh tranh với phân bón nhập khẩu và phân đạm Phú Mỹ.
Thậm chí, Quỹ hỗ trợ phát triển cũng đề nghị cần căn cứ vào lộ trình tăng giá than để xem xét mức độ phù hợp của hiệu quả Dự án và cân nhắc khi sử dụng công nghệ Shell. Đồng thời, quỹ này cũng không quên đưa ra cảnh báo: “Hiệu quả kinh tế của Dự án rất thấp, khả năng tự thu xếp tài chính khó khăn, chưa đủ căn cứ khẳng định khả năng trả nợ.
Bước sang năm 2006, tới lượt Bộ Tài chính cảnh báo: “Hiệu quả Dự án thấp, khả năng thu hồi vốn khó khăn, tính khả thi không cao”. Năm 2007, nội dung biên bản thẩm định của Tổ thẩm định cũng nêu ý kiến: “Dự án có hiệu quả và khả thi trong điều kiện có được sự hỗ trợ của Nhà nước về nhiều mặt; tính hiệu quả của Dự án chưa chắc chắn, mức hiệu quả của Dự án thấp, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước”.
Sau khi nhận được nhiều cảnh báo như vậy, Vinachem vẫn không xem xét một cách thấu đáo và toàn diện mà vẫn tiến hành phê duyệt quyết định đầu tư. Kết quả là sau khi hoàn thành, Nhà máy sản xuất phân đạm Ninh Bình vận hành không hiệu quả. Tính đến hết năm 2018, số lỗ lũy kế của Nhà máy là hơn 4.946 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu nhà nước âm hơn 2.633 tỷ đồng.
Thậm chí, với những hồ sơ, tài liệu của Dự án do Vinachem, Ban Quản lý dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình cung cấp, KTNN cũng cho rằng chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, căn cứ, thông tin để đánh giá, xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của số liệu nguồn vốn đầu tư, chi phí đầu tư đề nghị quyết toán.
Những dấu hỏi trên Báo cáo nghiên cứu khả thi của Vinachem
Một điểm đáng chú ý được KTNN nhấn mạnh khi nói về trách nhiệm của Vinachem, đó là Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt tại Quyết định số 968/QĐ-HĐQT ngày 29/8/2005 của HĐQT Tổng công ty Hoá chất Việt Nam khi chưa thẩm định phương án tài chính và phương án trả nợ là không đúng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư theo Khoản 4, Điều 11, Nghị định 16/2005/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, việc doanh nghiệp chưa có Báo cáo thẩm định công nghệ là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 55/2002/TT-BKHCNMT của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường hướng dẫn thẩm định công nghệ và môi trường các dự án đầu tư.
Cũng liên quan tới Báo cáo nghiên cứu khả thi của Vinachem, theo KTNN, báo cáo này và hồ sơ thiết kế sơ bộ kèm theo vẫn chưa đầy đủ thông tin, tài liệu theo quy định tại Quyết định số 18/2003/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng như thuyết minh phần xây dựng còn đơn giản, chưa thể hiện được khối lượng công tác xây lắp, vật liệu, vật tư chủ yếu của công trình…
Ngoài ra, Báo cáo nghiên cứu khả thi không tuân thủ đầu bài là lập Báo cáo nghiên cứu khả thi “Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám” đã được Bộ Công nghiệp phê duyệt từ năm 2002, đặc biệt đối với hai nội dung quan trọng của Dự án là công nghệ khí hoá than và tiêu chuẩn sản phẩm urê.
Cụ thể, theo Quyết định số 330/QĐ-KHĐT, tiêu chuẩn sản phẩm urê là theo tiêu chuẩn Việt Nam, công nghệ khí hoá than là của Texco. Song Báo cáo nghiên cứu khả thi của Vinachem lại xác định lấy tiêu chuẩn urê theo tiêu chuẩn Trung Quốc GB536-88, công nghệ khí hoá than của Shell.
Thêm vào đó, việc điều chỉnh thời gian Dự án lên 42 tháng của Tổng công ty Hóa chất Việt Nam không phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với thời gian thực hiện dự án là 36 tháng tại Văn bản số 604/TTg-CN ngày 16/5/2005.