Tính trung bình mỗi ngày Đạm Hà Bắc lãi 500 triệu từ hoạt động kinh doanh nhưng phải trả gần 2 tỷ đồng lãi vay. |
Báo cáo tài chính hợp nhất quý III của Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (mã CK: DHB) tiếp tục cho thấy bức tranh không mấy lạc quan về "đứa con đầu lòng" của ngành sản xuất phân đạm Việt Nam. Sau 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 480 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế đến cuối tháng 9 lên 2.200 tỷ, xấp xỉ 80% vốn điều lệ.
Nguyên nhân thua lỗ, tương tự như cùng kỳ năm trước, đến từ khoản chi phí lãi vay quá lớn. Dù doanh thu 9 tháng đầu năm của Đạm Hà Bắc đạt hơn 1.800 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ, với lợi nhuận gộp đạt hơn 143 tỷ. Tuy nhiên, khoản chi phí lãi vay tiếp tục gia tăng khiến lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh không đủ để bù đắp.
Tính trung bình, mỗi ngày Đạm Hà Bắc thu về hơn 500 triệu đồng lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh nhưng phải trả tới gần 2 tỷ đồng lãi vay, chưa tính tới các khoản chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp phát sinh.
Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Được xem là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.
Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương.
Theo giải thích của ban lãnh đạo công ty, diễn biến trái chiều của giá khí (dầu mỏ) và giá than - 2 nguyên liệu đầu vào của sản xuất phân đạm (tùy theo công nghệ, thiết bị được lựa chọn) - được xem là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến bất lợi của nhà máy chạy than như Đạm Hà Bắc.
Giá nguyên liệu chính cho sản xuất là than tăng liên tục khiến chi phí đầu vào bị đội lên hàng trăm tỷ đồng. Trong khi đó, hầu hết các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Đạm Hà Bắc lại sản xuất bằng khí trong điều kiện giá dầu thế giới liên tiếp giảm nên chi phí sản xuất tiết kiệm hơn phân nửa.
Trong bối cảnh nguồn cung phân bón vượt cầu thị trường nội địa, các doanh nghiệp sản xuất như Đạm Hà Bắc phải liên tục giảm giá để cạnh tranh với nguồn thành phẩm nhập khẩu, đặc biệt là Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông – nơi có lợi thế giá dầu và khí gas rất thấp. Hoạt động không triển vọng, trong khi chi phí lãi vay quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến thua lỗ.
Tính đến cuối tháng 9, Đạm Hà Bắc đạt tổng tài sản hơn 9.800 tỷ đồng, tuy nhiên đến 94% trong số này được tài trợ bằng nợ phải trả, chủ yếu là vay ngân hàng (hơn 8.000 tỷ đồng). Trong khi đó, khoản lỗ lũy kế đã ăn mòn khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn hơn 550 tỷ đồng.
Cuối tháng 7, Đạm Hà Bắc đã được Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội chấp thuận niêm yết hơn 272 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM với mã DHB. Tính theo giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 6.800 đồng một cổ phiếu, vốn hoá thị trường của công ty vào khoảng 1.850 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực trạng của Đạm Hà Bắc cũng giống như nhiều cổ phiếu của các doanh nghiệp truyền thống. Sau gần 3 tháng lên sàn chứng khoán nhưng cổ phiếu của doanh nghiệp vẫn trong cảnh "hẩm hiu", không có nhà đầu tư nào quan tâm.