Cổ phiếu của bộ đôi doanh nghiệp đứng đầu về sản xuất bia là Sabeco và Habeco đang được đánh giá là quá cao so với giá trị thực. |
Thoái vốn tại 2 "ông lớn" ngành bia gồm Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Hà Nội (Habeco, BHN) và Tổng công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, SAB) đang là hai trong những thương vụ được nhà đầu tư chờ đợi nhất hiện nay.
Điều này không hẳn không có căn cứ khi thị trường bia Việt Nam tăng trưởng với tốc độ trung bình 9,3% về sản lượng tiêu thụ trong 3 năm qua, trong khi ở chiều ngược lại tăng trưởng nhu cầu ở khu vực Đông Nam Á và thế giới thấp hơn đáng kể. Câu chuyện tăng trưởng đưa ngành bia Việt Nam trở thành một trong những lĩnh vực hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ những đối tác ngoại và điều này cũng giúp việc thoái vốn tại Habeco và Sabeco trở thành tâm điểm chú ý.
Tuy nhiên, trong bối cảnh việc thoái vốn còn nhiều vướng mắc và kéo dài, giá cổ phiếu của bộ đôi doanh nghiệp này liên tục tăng mạnh. Thị giá cổ phiếu tăng cao một mặt nâng giá trị vốn hóa của hai doanh nghiệp lên hàng tỷ USD, nhưng lại khiến thị trường bắt đầu đưa ra góc nhìn không mấy tích cực về triển vọng của những đợt thoái vốn trong tương lai. Đặc biệt, khi những nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu tỏ ra không hào hứng với mức định giá mới từ thị trường.
Cuối tháng 8/2016, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Công Thương phải thực hiện các bước để thoái vốn tại Sabeco và Habeco, đồng thời đưa cổ phiếu của hai doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán.
Theo phương án dự kiến khi đó, toàn bộ vốn nhà nước tại Habeco khoảng 9.000 tỷ đồng (gần 82% vốn điều lệ) sẽ được thoái trong năm 2016. Còn lộ trình thoái vốn tại Sabeco sẽ được chia làm 2 đợt. Đợt một thoái 53,6% vốn điều lệ, tương đương 24.500 tỷ đồng trong năm 2016 và đợt 2 sẽ thoái tiếp phần còn lại, khoảng 16.000 tỷ đồng trong 2017.
Tuy nhiên, sau hơn một năm kể từ khi có chỉ đạo thoái vốn, lộ trình thực hiện của việc này tại hai "ông lớn" ngành bia vẫn "giậm chân tại chỗ" và chưa có động thái cụ thể hơn.
Trong báo cáo mới được Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp đưa ra, việc thoái vốn hiện mới chỉ "chốt" được ở phía Sabeco, trong khi Habeco vẫn trục trặc. Bộ Công Thương hiện nắm giữ là 89,59% vốn điều lệ tại Sabeco và dự kiến sẽ bán 53,59%. Còn việc thoái vốn tại Habeco hiện vẫn gặp vướng mắc với cổ đông chiến lược Carlsberg do chưa đạt được đồng thuận về quyền ưu tiên, cũng như những vướng mắc về giá đàm phán.
Trong khi lộ trình thoái vốn vẫn chưa có động thái rõ ràng, bộ đôi cổ phiếu này vẫn tiếp tục "làm mưa, làm gió" trên sàn chứng khoán.
Dù sau màn chào sàn ấn tượng, cả hai cổ phiếu ngành bia đã đồng loạt điều chỉnh sâu do thiếu thông tin hỗ trợ. Tuy nhiên, khi những thông tin thoái vốn một lần nữa xuất hiện vào giữa năm 2017, thị giá của SAB và BHN đều bứt phá. Tính tới phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu SAB của Sabeco đạt ngưỡng 272.000 đồng, tương đương với vốn hóa khoảng 7,7 tỷ USD, trong khi cổ phiếu BHN cũng đạt gần 118.000 đồng, tương đương mức vốn hóa của Habeco hơn 1,2 tỷ USD.
Cổ phiếu của Sabeco cũng đóng vai trò trụ cột trong việc đưa VN-Index vượt mốc 800 điểm trong thời gian gần đây. So với nhiều cổ phiếu bluechip khác trên thị trường, cổ phiếu SAB có những đặc điểm khiến việc đẩy giá dễ dàng hơn rất nhiều, từ lượng cổ phiếu trôi nổi thấp, nhu cầu cao từ thị trường, cho tới kỳ vọng tích cực của nhà đầu tư vào đợt thoái vốn.
Việc cổ phiếu tăng mạnh giúp nâng cao giá trị vốn hóa và giá trị phần vốn Nhà nước tại hai doanh nghiệp này, nhưng ở chiều ngược lại, các công ty chứng khoán lại đưa ra góc nhìn không mấy tích cực về định giá, cũng như triển vọng những đợt thoái vốn sắp tới.
Chiếu theo nguyên tắc xác định giá cơ bản trong đợt thoái vốn gần đây thì những doanh nghiệp lớn như Sabeco hay Habeco khi thoái vốn nhà nước sẽ xác định giá căn cứ theo giá thị trường, tức là không bán dưới giá giao dịch của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Nhưng với mức định giá có phần quá cao từ thị trường hiện tại, nhiều khả năng sẽ trở thành rào cản cho những đợt thoái vốn sắp tới.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Chủ tịch và giám đốc điều hành của Asahi, Akiyoshi Koji cho rằng "định giá của Sabeco quá cao và giá cổ phiếu không giảm xuống". Công ty chứng khoán TP HCM (HSC) trong báo cáo mới công bố cũng đánh giá, "nhiều doanh nghiệp nước ngoài như Heineken, Kirin và Thai Bev có vẻ quan tâm mặc dù giá bán vẫn là vấn đề".
Theo đơn vị này, mức định giá của Sabeco đang "đắt theo bất kỳ phương pháp định giá nào". Cổ phiếu các công ty bia trong khu vực hiện giao dịch với P/E dự phóng 2018 là 22,5 lần, trong khi ở mức giá hiện tại, cổ phiếu SAB có P/E dự phóng là 35 lần. Mức định giá này từ thị trường cũng cao hơn rất nhiều so con số 16 lần của Asahi, 21 lần đối với Carlsberg và 20 lần đối với Heineken.
"Sabeco là một tài sản tốt và hiện tại không còn nhiều tài sản tương tự. Mức định giá cao hơn bình quân các công ty cùng ngành trong khu vực là hợp lý đối với nhà đầu tư chiến lược nhưng liệu nhà đầu tư chiến lược có chấp nhận mua Sabeco ở mức giá thị trường hiện tại hay không lại là vấn đề khác", báo cáo của HSC viết.
Thực tế câu chuyện khác biệt giữa định giá từ thị trường và cổ đông chiến lược cũng được đánh giá là rào cản lớn nhất cho việc đàm phán giữa Habeco và cổ đông chiến lược Carlsberg.
Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg cuối năm 2016, ông Tayfun Uner - CEO Carlsberg Vietnam khi đó cho rằng, định giá số cổ phần Habeco của Bộ Công Thương vào khoảng 48.000 đồng mỗi cổ phần là hợp lý. Tuy nhiên, kể từ khi lên sàn chứng khoán, cổ phiếu BHN chưa bao giờ quay lại ngưỡng định giá này trong khoảng một năm gần đây. Mức giá hiện tại của cổ phiếu Habeco cũng cao hơn gấp đôi so với con số này.