Lô CR-V mới về cảng, chuẩn bị bán ra cuối tháng 4. |
Chỉ chưa đầy một tuần qua, thị trường ôtô Việt nhận những tin quan trọng cho cả xe nhập khẩu và lắp ráp xe. Với xe nhập khẩu, Bộ Giao thông Vận tải chấp nhận giấy Chứng nhận chất lượng kiểu loại của Indonesia, và thực tế đã có ba xe đầu tiên về nước trong tuần 16-22/3. Trước đó xe Thái Lan đã chất đầy cảng, sẵn sàng giao cho khách khi xong thông quan.
Với xe lắp ráp, Hyundai Thành Công và hãng mẹ tại Hàn Quốc mới ký kết bản ghi nhớ sẽ xây dựng nhà máy mới trong 2019 để mở rộng sản xuất hướng tới xuất khẩu. Cái tên mới nhưng gây nhiều chú ý là VinFast cũng thông báo sản xuất thêm hai mẫu xe cỡ nhỏ chạy xăng và điện, ra mắt vào năm sau. Cuối cùng là Trường Hải hôm 25/3 khánh thành nhà máy Mazda thứ hai tại Chu Lai. Cả nhập khẩu và lắp ráp, các hãng đã lên sẵn dây cót để chạy đua trong năm 2018 dự báo tăng trưởng nhưng không bình yên.
Nhập khẩu thấp thỏm, lắp ráp tự tin
Một năm trước, xe nhập khẩu được dự đoán sẽ nắm lợi thế về giá xe khi bước sang 2018, bởi thuế nhập khẩu từ ASEAN về 0%, thị trường Việt lại ưa chuộng những sản phẩm tương đồng từ Thái Lan hay Indonesia. Nhưng từ đầu 2017, khi xuất hiện các đề xuất theo hướng có lợi cho xe lắp ráp như miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước hay giảm thuế linh kiện về 0%, là lúc xe nhập khẩu ở vào thế phải tìm cách kháng cự.
Tháng 10/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 116 buộc xe nhập khẩu phải có Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại (VTA) mới được phép thông quan. Ngay sau đó, tháng 11/2017, Nghị định 125 ra đời với nội dung phần lớn linh kiện nhập khẩu được hưởng thuế 0%. Cả hai chính sách đều hướng tới xe lắp, hạn chế xe nhập.
Nhận được tin "sét đánh", các hãng có xe nhập khẩu tức tốc kiến nghị lên Chính phủ để phản đối Nghị định 116, đồng thời cố gắng thông quan càng nhiều xe trong 2017 càng tốt. Nhưng thực tế đã 5 lần VAMA kiến nghị, nội dung của Nghị định 116 vẫn không có gì thay đổi, thậm chí cụ thể hơn với Thông tư hướng dẫn thực hiện 03/2018 của Bộ GTVT. Từ đầu 2018, những cái tên "hot" như Fortuner, CR-V nhập khẩu đều không còn hàng. Gián đoạn nguồn cung cũng dẫn tới những hệ lụy về bán hàng, giá xe lên xuống bất thường như chứng khoán, giá trị thương hiệu phần nào bị ảnh hưởng.
Hiện các hãng xe nhập khẩu phần lớn đã hoàn tất thủ tục để nhập xe trở lại. Nếu Honda đã về lô 2.000 xe CR-V, Civic, Jazz, Accord thì Toyota vẫn chưa thể có xe cập cảng, do những thay đổi trong kế hoạch kinh doanh, hãng phải mất thêm thời gian chờ đặt hàng và vận chuyển. Ford cũng sẵn sàng để đưa về dòng xe chủ lực nhất của mình, bán tải Ranger từ Thái Lan.
Tuy vậy, việc xe được thông quan chưa phải là cái thở phào nhẹ nhõm với các hãng VAMA. Đại diện nhiều hãng đều chung quan điểm, xe về nước mới chỉ là bước đầu, làm thế nào để cạnh tranh về giá với xe lắp ráp mới là câu hỏi lớn tiếp theo. "Xe nhập khẩu chỉ có lợi thế là thuế suất 0%, trong khi xe lắp ráp có nhiều cơ hội để giảm giá", một chuyên gia phân tích.
Bên kia chiến tuyến, xe lắp ráp ra sức ủng hộ những chính sách mới của Chính phủ. Các hãng cũng âm thầm chuẩn bị nhà xưởng, nguồn cung cấp linh kiện để tăng tốc sản lượng xe xuất xưởng, phục vụ cho năm mới. Kết quả là hai tháng đầu 2018, top xe bán chạy vắng bóng xe nhập, xe lắp ráp được đà lên ngôi. Mức giá trên thị trường đang được xe lắp ráp chi phối.
Chính phủ chủ trương phát triển xe lắp ráp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy Mazda thứ hai cho biết, Chính phủ Việt Nam ủng hộ sản xuất trong nước để hướng tới hiện thực hóa chiến lược công nghiệp ôtô. Thủ tướng cũng khẳng định đối xử bình bẳng giữa xe nhập và xe lắp, các biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước phải theo đúng những cam kết với cộng đồng quốc tế.
Người đứng đầu chính phủ đề nghị các bộ ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện chính sách, tạo điều kiện cho xe lắp ráp tại Việt Nam đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% để có thể hưởng thuế 0% khi xuất khẩu sang các nước trong khu vực, đúng như định hướng lâu dài của các hãng. Thủ tướng nêu ba mũi nhọn để phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam là Hyundai Thành Công, Trường Hải và VinFast - hãng xe chưa sản xuất nhưng gây nhiều chú ý với những kế hoạch táo bạo.
Xe lắp ráp tại nhà máy Mazda.
"Nghị định 116, 125 hay đề xuất miễn thuế TTĐB nhắm tới sản phẩm chứ không nhắm tới hãng xe", một quản lý cấp cao phân tích. Ông lấy ví dụ, Toyota có thể gặp khó với xe nhập khẩu là Fortuner nhưng lại hưởng đầy đủ ưu đãi về xe lắp ráp với mẫu Vios như những nhà sản xuất khác.
Vị này nói thêm, ở bất cứ thị trường nào, Chính phủ cũng đặt ra luật chơi, việc của các hãng là tuân thủ và thay đổi kế hoạch kinh doanh cho phù hợp, nếu còn nhận thấy thị trường đủ hấp dẫn. Ví dụ tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump đe dọa tăng thuế nhập khẩu với xe từ châu Âu, và các hãng phải tìm cách khác để giảm giá.
Tuy nhiên, các hãng nhập xe vẫn kêu khó. Đại diện Toyota khẳng định ủng hộ ngành công nghiệp lắp ráp, nhưng những thay đổi của chính sách cần có khoảng thời gian để hãng chuẩn bị. Nghị định 116 hay 125 đến bất ngờ khiến hãng trở tay không kịp, lẽ ra nên có ít nhất 6 tháng, thay vì tháng 10 ra Nghị định, tháng 1/2018 đã có hiệu lực.
Những kiến nghị này giờ đây không còn nhiều ý nghĩa, khi "ván đã đóng thuyền", và các hãng có xe nhập khẩu buộc phải chuẩn bị những giấy tờ mới. Nếu những Fortuner hay CR-V quay lại lắp ráp trong tương lai, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ phát triển mạnh về sản lượng, khi mà những mẫu xe bán chạy nhất thị trường đều sản xuất trong nước.
Vài tháng tới, thị trường Việt sẽ lại đầy đủ cả xe nhập và lắp, cuộc đua nước rút chuẩn bị nguồn hàng gần nửa năm qua sẽ kết thúc. Nhưng cuộc đua mới về giá sắp hình thành, khi mà đề xuất miễn thuế TTĐB cho phần giá trị tạo ra trong nước thành hiện thực. Cuộc đua này, xe nhập khẩu vẫn nhận phần bất lợi.