Đến cuối tuần qua, thị trường liên ngân hàng đã quen với lãi suất VND qua đêm quanh mức 4,8%/năm. Nhưng nếu nhìn lại cùng thời điểm này năm 2017 và 2016, cục diện các cân đối chính đã nhiều thay đổi.
Trong chuỗi vận động của lãi suất VND và tỷ giá USD/VND hàng năm, có những thời điểm một câu hỏi quen lại được đặt ra: "Nguồn tiền lớn VND đã đi đâu?".
Lần này, câu hỏi đó nằm ở băn khoăn: tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong bốn năm qua, định hướng siết lại tiếp tục thể hiện, vậy hiện tượng dư thừa tiền đồng nổi bật nửa đầu năm nay vì sao mờ nhạt đi, lãi suất VND liên ngân hàng lên cao và Ngân hàng Nhà nước liên tiếp bơm ròng gần đây?
Nhìn cả từ đầu năm, lãi suất VND hiện nay trên liên ngân hàng cũng không có gì gây hoảng hốt. Vì, chỉ hơn hai tháng trước, cuối tháng 8/2018, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng cũng từng lên quanh 4,7%/năm; lùi về trước một quãng, gần trung tuần tháng 2/2018 nó cũng nằm trên 4%/năm…
Nhưng, nhìn xa hơn nữa, cùng thời điểm này năm 2017 và 2016, lãi suất VND qua đêm chỉ quanh 0,9%/năm. Như vậy, thay đổi hiện nay đã lớn.
Xen giữa thay đổi lớn đó là tỷ giá USD/VND.
Tầm này năm 2016 và 2017, tỷ giá USD/VND rất ổn định, Ngân hàng Nhà nước có những đợt mua vào lượng lớn ngoại tệ, lượng tiền đồng đối ứng đưa ra lớn góp phần mềm hóa lãi suất VND. Sự hậu thuẫn của những dòng chảy này thậm chí có những lúc còn làm mờ nhạt đi điểm hoán đổi bất lợi giữa lãi suất USD - VND trên liên ngân hàng (lãi suất USD cao hơn VND).
Còn nay đã và đang khác đi nhiều. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao cho đến nay. Dù có dấu hiệu hạ nhiệt khá nhanh trong tuần qua, nhưng rủi ro tỷ giá đã bộc lộ, mà điều này tác động đến phản ứng phòng thủ và dịch chuyển ở tín dụng ngoại tệ.
Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ giảm nhanh những tháng gần đây. Không hẳn nhu cầu vay vốn giảm đi, mà doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay VND thay vì ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá. Cầu vay vốn VND tăng lên, cũng như về tỷ trọng trong cơ cấu tín dụng, góp phần định hình câu trả lời cho câu hỏi nguồn tiền lớn VND đã đi đâu nói trên, một phần giải thích cho lãi suất VND có xu hướng tăng lên.
Một cấu phần nữa của câu trả lời còn nằm ở lượng VND Ngân hàng Nhà nước hút về qua các đợt bán ra ngoại tệ bình ổn tỷ giá vừa qua.
Ngoài ra, vốn VND trong hệ thống ngân hàng hiện nay đã đi đâu còn liên quan đến mức độ tiền gửi ngân sách, tốc độ giải ngân đầu tư công dồn vào cuối năm, cũng như mức độ và tốc độ phát hành trái phiếu Chính phủ hút vốn theo tiến độ kế hoạch…
Thay đổi đã lớn so với cùng kỳ 2017 và 2016. Trong đó, tác động nổi bật là môi trường và những biến động lớn bên ngoài.
Năm 2018 đến nay đã ba lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tại Việt Nam, lãi suất USD trên liên ngân hàng cũng đã duy trì trên 2,3%/năm các kỳ hạn ngắn suốt thời gian qua thay vì dễ chịu quanh 1% cùng kỳ 2017 và 2016.
Chỉ riêng mức lãi suất USD duy trì cao trên liên ngân hàng cũng đã tạo áp lực Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh cân đối, gián tiếp đẩy lãi suất VND lên trên thị trường này để tạo điểm hoán đổi có lợi cho ổn định tỷ giá USD/VND.
Và cũng khác biệt rất lớn, đồng Nhân dân tệ phá giá rất mạnh năm nay, xuyên đáy cả chục năm so với đồng USD thời gian gần đây, mà điều này từng gây áp lực lớn đối với tỷ giá USD/VND, ngay cả về mặt tâm lý thị trường.
Vấn đề là, FED tăng lãi suất hay diễn biến đồng Nhân dân tệ (cùng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ) là câu chuyện lâu dài, chứ không mang tính thời điểm và chủ yếu ngắn hạn như các tác động trước đây như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, Brexit, hay bầu cử Tổng thống Mỹ…
Cái lâu dài đó góp phần tạo thay đổi cục diện các cân đối trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Đến nay, về cơ bản lãi suất và tỷ giá Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được ổn định, nhưng tầm nhìn và sự chủ động đang đòi hỏi xa hơn, không chỉ những tháng cuối năm 2018 mà vắt sang cả năm 2019.
Chuyển động cụ thể, từ giữa năm Ngân hàng Nhà nước đã chủ động siết dần lại tăng trưởng tín dụng, liên tục đốc thúc hệ thống đẩy nhanh xử lý nợ xấu để tái tạo nguồn, bám sát và cân đối nhanh các kênh điều tiết, hay tới đây sẽ có bước siết lại tín dụng ngoại tệ để hạn chế tác động bất lợi tới tỷ giá…
Còn ở định hướng cao hơn, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đặt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng.