Tạp hóa truyền thống vẫn được lựa chọn vì yếu tố gần nhà. Ảnh minh họa |
Nhà chị Mai Ngọc trong hẻm nhánh của một ngõ lớn gần Khu du lịch Văn Thánh (Bình Thạnh, TP HCM). Tầm hai tháng trước, cửa hàng Vinmart đã có mặt ở hẻm chính, cách nhà chị tầm 300 mét. Chị đã hai lần vào mua ở cửa hàng này.
“Tôi ra đường vẫn thích ghé cửa hàng tiện lợi. Nhưng mua mấy món lặt vặt khi ở nhà thì vẫn chạy ra tạp hóa cách chỉ 3 căn. Mua ở đó vừa gần, vừa quen, lại có món mình cần chứ ra cửa hàng tiện lợi ngoài kia xa hơn mà bán mấy hiệu tôi không dùng”, chị Ngọc nói.
Sống ở một đầu khác của TP HCM, anh Xuân Tâm ở trọ tại một con hẻm trên đường Âu Dương Lân, Quận 8. Hơn năm nay, con phố nhộn nhịp bởi các cửa hàng tiện lợi, từ Cirle K đến Vinmart+… Dù ủng hộ các cửa hàng này nhưng anh vẫn duy trì thói quen mua rau củ quả, gia vị ở một tiệm tạp hóa trong hẻm nhỏ gần nơi trọ, với bà chủ thức bán hầu như 24 giờ.
“Tiệm quen, ra mua một hai quả trứng với ít rau, cần bao nhiêu thì lấy cho tiện. Vô cửa hàng tiện lợi đồ trông sạch sẽ, đóng gói sẵn nhưng mua nguyên bó rau hay lốc trứng có lúc về ăn ngay không hết”, anh Tâm kể.
Với những người như chị Ngọc hay anh Tâm, cửa hàng tiện lợi là xu thế đáng chào đón. Nhưng song song đó, thói quen mua tạp hóa gần nhà của họ không mất. Theo kết quả khảo sát năm 2018 của Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao (BSA), các kênh bán lẻ truyền thống vẫn còn sức hút đối với người tiêu dùng. Tuy nhiên, đã có những chuyển dịch rõ nét.
Cách đây chỉ 3 năm, nhiều khảo sát kết luận tạp hóa truyền thống còn “sống khỏe” trước áp lực của các kênh mua bán hiện đại. Tuy nhiên, đến nay, thời “sống khỏe” đã không còn.
“Tại những nơi cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh như TP HCM, tạp hóa rút nhiều khỏi các đường lớn và khu vực trung tâm và lùi vào ‘bám trụ’ ở các ngõ hẻm hoặc vùng ven”, một chuyên gia bán lẻ nhận định.
Theo khảo sát năm 2017, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở tạp hóa nhỏ lẻ là 17%. Sang năm 2018, tỷ lệ này giảm còn 9%. Xu hướng chuyển dịch từ chợ truyền thống sang siêu thị cũng diễn ra tương tự. Nếu như kết quả khảo sát năm 2016, tỷ lệ người tiêu dùng chọn mua sản phẩm ở chợ là 31%, thì năm 2017 giảm còn 11%, và đến nay giảm còn 10%.
Khác với những nhận định 5 - 10 năm về trước, hiện theo nhiều chuyên gia, xu hướng chuyển dịch này là tất nhiên. Lý do chính yếu do sự tăng trưởng về độ phủ của các kênh bán lẻ hiện đại, nên số lượng khách hàng tăng theo cơ học, chứ không phải tăng lượng khách tại từng đơn vị. Có thể thấy, kênh bán lẻ truyền thống nói chung vẫn chiếm tỷ lệ cao, với 65% người tiêu dùng chọn mua.
“Ðặc biệt, cửa hàng chuyên hay cửa hàng tạp phẩm gia đình bán giá sỉ, cửa hàng đại lý (cao hơn tiệm tạp hoá) vẫn còn là ưu tiên trong lựa chọn của người tiêu dùng (46%), do những lợi thế mà nó mang lại như gần nhà, sản phẩm chất lượng, giá rẻ, và đặc biệt là sự ân cần thân thiện của nhân viên/chủ cửa hiệu và sự thuận tiện trong lựa chọn”, ông Nguyễn Văn Phượng – Phụ trách điều tra của BSA bình luận.
Thế Giới Di Động dự kiến mở rộng chuỗi bách hóa lên hơn 1.000 cửa hàng ngay trong năm nay.
Trong khi đó, sau khi vượt mốc 1.000 cửa hàng tại TP HCM, số lượng cửa hàng VinMart+ vẫn không ngừng tăng lên. FamilyMart, Ministop, Circle K, B’s Mart liên tục mở rộng số lượng và giờ đã không còn ngại đứng cạnh nhau. Các tên tuổi “mới toanh” như GS25 hay Toromart cũng tham vọng có hàng trăm đến hàng nghìn cửa hàng.
“Người tiêu dùng những năm qua đề cao chữ 'tiện lợi'. Chữ 'tiện lợi' trong quan điểm người Việt mình không chỉ là chuyện bước ra cửa hàng kế bên là tiện lợi mà vào cửa hàng đó có đầy đủ sản phẩm hay không, ngồi tại nhà được nhận hàng cũng là tiện lợi. Vì vậy, online cũng là giải pháp cho sự tiện lợi và các điểm bán lẻ nhỏ dạng mini mart cũng là giải pháp cho sự tiện lợi đó”, bà Nguyễn Linh Trang – Phó tổng giám đốc Saigon Coop phân tích.
Theo như nhận định này, xét về tính tiện lợi, tạp hóa chỉ còn ưu thế là sự gần nhà và đi sâu vào những ngỏ hẻm mà cửa hàng tiện lợi không vươn tới. Đó cũng là lý do chính để chị Ngọc, anh Tâm hay nhiều người tiêu dùng khác vẫn còn ủng hộ mô hình truyền thống này.