Xuất khẩu của Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Lê Tiên |
Tăng trưởng năm nay đạt 6,7%
Điểm lại những kết quả phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, Báo cáo của WB chỉ ra, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm qua bật lên theo chu kỳ kết hợp với kinh tế vĩ mô ổn định, cán cân đối ngoại và tỷ giá ổn định, xuất khẩu đạt kết quả ngoạn mục,…
Tuy nhiên, vẫn còn những trở ngại mang tính cơ cấu là tốc độ tăng lực lượng lao động chậm lại, đầu tư chững lại và tăng trưởng năng suất thấp hơn. Tín dụng tăng trưởng nhanh. Xuất khẩu bị chi phối bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Thâm hụt thương mại có tính cơ cấu, còn khu vực trong nước thiếu năng lực cạnh tranh. Giải quyết nợ xấu có tiến triển nhưng rủi ro vẫn còn, chẳng hạn như tỷ lệ an toàn vốn ở một số ngân hàng chưa được bảo đảm, nhất là trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng cao.
WB nhận định triển vọng tăng trưởng của Việt Nam vẫn thuận lợi nhưng rủi ro cao hơn. Dự báo tăng trưởng năm nay dự kiến đạt 6,7%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 3,5%; hai năm tiếp theo tăng trưởng được dự báo ổn định ở mức khoảng 6,5%, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp với CPI tăng khoảng 4%.
WB khuyến nghị Việt Nam nên tận dụng điều kiện thuận lợi để củng cố khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô và loại bỏ trở ngại đối với tăng trưởng trong trung hạn. Đồng thời cần tăng cường các thể chế thị trường, loại bỏ các trở ngại cho đầu tư trong nước, cải cách cơ cấu để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất và nâng cao mức tăng trưởng tiềm năng.
Chuyên gia của WB cho rằng, hiện Việt Nam đang có cơ hội để tái tạo lại lớp đệm chính sách qua củng cố tình hình ngân sách cho bền vững, thân thiện với tăng trưởng; áp dụng chính sách tỷ giá và tiền tệ theo hướng ứng phó, xử lý nợ xấu, nâng tỷ lệ an toàn vốn và quản lý tăng trưởng tín dụng.
“Cải cách cơ cấu vẫn là ưu tiên trọng tâm trong điều kiện tăng trưởng năng suất chưa cao. Trên cơ sở những tiến triển đạt được, Việt Nam có thể tiếp tục nâng tốc độ tăng năng suất qua đầu tư vào kỹ năng và hạ tầng cần có, đồng thời tăng cường chiều sâu cải cách về môi trường kinh doanh, khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước", ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam khuyến nghị.
Nên có luật về PPP
Báo cáo của WB cũng ghi nhận, tình hình tài khóa của Việt Nam đang được thắt chặt hơn, dẫn đến bội chi ngân sách giảm xuống và tốc độ tăng nợ công được kiềm chế. Tuy nhiên, bà Vũ Hoàng Quyên cho rằng, cắt giảm đầu tư công (xuống còn 16% tổng chi trong 6 tháng đầu năm 2017 so với 25% trong những năm qua) chưa hẳn đã là bền vững về lâu dài khi Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều cho hạ tầng để hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
Theo WB, tăng trưởng cao ở Việt Nam dẫn đến nhu cầu đầu tư cho hạ tầng tăng mạnh, trong khi dư địa tài khóa để xử lý nhu cầu đầu tư ngày càng bị hạn chế, cần có cơ chế tốt hơn để huy động tư nhân đầu tư. Quy định hiện hành về thu hút tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng đã được cải thiện nhưng vẫn còn một số bất cập. WB cho rằng cần có luật về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) với cơ chế thận trọng để đánh giá về PPP và quản lý rủi ro.