Shanghai Composite Index hôm nay mất 1,1%, về 2.651 điểm, thấp nhất kể từ tháng 11/2014 và thấp hơn cả đáy đầu năm 2016. Khi đó, giới chức Trung Quốc chỉ vừa áp dụng cơ chế “cầu chì” (ngừng giao dịch khi thị trường giảm 7%) và đã phải hủy bỏ ngay sau đó khi thị trường liên tục xảy ra bán tháo.
Lần này, tuy việc bán tháo diễn ra chậm hơn, nó cũng cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau đợt lao dốc 2015 - 2016. Một số công ty cảm thấy khả năng huy động vốn từ thị trường chứng khoán đã bị thắt chặt và phải tìm đến vay nợ. Chỉ số Shanghai Composite cũng đang tiến đến quý mất điểm thứ 4 - dài nhất kể từ năm 2008.
Diễn biến tại Trung Quốc ngược lại với thế giới. Chỉ số MSCI All-Country World đã tăng 21% kể từ tháng 11/2014. Trong khi đó, S&P 500 (Mỹ) tăng 40%.
Căng thẳng thương mại với Mỹ càng khiến nhà đầu tư lo ngại về chứng khoán Trung Quốc. Giữa tuần trước, Tổng thống Mỹ - Donald Trump ra lệnh cho quan chức Mỹ xúc tiến việc đánh thuế nhập khẩu bổ sung với hàng Trung Quốc. Đáp lại, chính phủ Trung Quốc cũng đang cân nhắc từ chối đề xuất đàm phán thương mại với Mỹ, theo nguồn tin của WSJ.
“Rất khó mua vào cổ phiếu Trung Quốc hiện tại, kể cả khi giá giảm”, do chiến tranh thương mại và yếu tố nền tảng của các công ty yếu, Toshihiko Takamoto - Giám đốc Asset Management One nhận xét, “Hiện tại, rất khó tìm được các yếu tố giúp giá bật lại nhanh”.
Đồng NDT đi xuống cũng khiến cổ phiếu Trung Quốc kém hấp dẫn. Từ cuối tháng 3, giá tiền tệ này đã mất gần 7% do đồn đoán Chính phủ Trung Quốc đang cố xoa dịu tác động từ thuế nhập khẩu của Mỹ.
Năm nay, Shanghai Composite đã mất 20%, chấm dứt thời kỳ tương đối ổn định của thị trường này dưới thời lãnh đạo mới của ủy ban chứng khoán - Liu Shiyu. Chỉ số này từng tăng 32% giai đoạn cuối tháng 2/2016 đến đỉnh tháng 1 năm nay.