Đây là mức giảm chính thức, còn theo tỷ giá trên thị trường tài chính quốc tế, đồng nhân dân tệ đã mất giá trên 2%.
Nhân dân tệ giảm giá, giá vàng thế giới đi lên, chứng khoán toàn cầu đi xuống. Chỉ số Dow Jones biến động thất thường. Cuối cùng, đến thứ Ba, ngay khi thị trường chứng khoán Mỹ mở cửa, Văn phòng đại diện thương mại Mỹ bất ngờ thông báo loại một số mặt hàng ra khỏi danh sách 300 tỉ đô la Mỹ hàng nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc bị tuyên bố đánh thuế 10% trước đó, đồng thời thời điểm đánh thuế đối với một số mặt hàng trong danh sách sẽ trì hoãn đến giữa tháng 12-2019 thay vì từ ngày 1-9-2019 như ấn định.
Thêm vào đó, theo các hãng tin quốc tế, phía Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán thương mại trong tháng 9. Tất cả diễn biến không thể dự đoán trước này đã tạo động lực làm sự biến động của chứng khoán, hàng hóa năng lượng, kim loại và tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền ngày một mạnh.
Chứng khoán Việt Nam không biến động quá mạnh như thế giới, tuy nhiên xu hướng điều chỉnh bắt đầu từ hai tuần nay vẫn đang chiếm ưu thế chủ đạo. Điều này một phần là do sự thiếu vắng thông tin trong giai đoạn tháng 8 và 9 hàng năm có tính chu kỳ.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang nghiền ngẫm một cách nghiêm túc hơn những thông tin vĩ mô mà trước đó đã bị làm lu mờ bởi mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên của doanh nghiệp niêm yết. Chẳng hạn sự tăng trưởng chậm lại của xuất khẩu, những mặt hàng xuất chính của Việt Nam như thủy hải sản, nông sản, dệt may đang gặp khó khăn.
Một số công ty dệt may đã lên tiếng về số lượng đơn hàng thấp hơn hẳn cùng kỳ, thậm chí đến giờ vẫn chưa ký được hợp đồng cho các đơn hàng vào cuối năm do sự cạnh tranh giá gia công từ các nước như Campuchia, Myanmar, Bangladesh... Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc thì gặp trở ngại do nước này siết chặt quy định về xuất xứ hàng hóa, chất lượng sản phẩm.
Trên thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản tiền đồng tương đối dồi dào và Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh hạn mức tín dụng cho hàng loạt ngân hàng thương mại nhằm tăng cường việc cung ứng vốn hỗ trợ nền kinh tế nhất là khi đã xuất hiện một số tín hiệu cho thấy tăng trưởng GDP có thể chậm lại.
Tuy thế lãi suất cho vay các lĩnh vực ngoài ưu tiên vẫn chưa giảm, chủ yếu do lãi suất đầu vào các kỳ hạn trên sáu tháng đứng ở mức cao. Các ngân hàng cũng tỏ ra thận trọng hơn trong việc giải ngân vốn khi nợ xấu gia tăng trở lại ở nhiều ngân hàng cả về tỷ lệ và con số tuyệt đối, đặc biệt là nợ nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn).
Chứng khoán Việt Nam sau khi tiến sát mức 1.000 điểm đã thoái lui. Thị giá cổ phiếu những doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng tốt đã căng hết cỡ và chính nhờ đó VN-Index đã không giảm sâu bất chấp tác động của thị trường tài chính bên ngoài. Vì khó có thể lên cao hơn, các cổ phiếu này đang đối diện với hai khả năng: hoặc chúng sẽ dao động quanh mức giá hiện tại cho đến khi có thông tin mới hoặc sẽ điều chỉnh 5-10% so với mức đỉnh để chờ dòng tiền mới thay thế cho dòng tiền chốt lời rút ra.
VN-Index sẽ tăng/giảm theo những cổ phiếu lớn dạng này, nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu của Vingroup. Các cổ phiếu VIC, VHM, VRE đang mạnh hơn mặt bằng chung, nhưng nhóm ngân hàng không được như vậy. Trừ BID và VCB, cổ phiếu các ngân hàng cổ phần khác bị ảnh hưởng của TCB khi gần đây nhiều tổ chức và cá nhân đã thoái vốn khỏi chứng khoán này dù thị giá TCB vẫn đang trên đà điều chỉnh.
Sau rốt những thông tin liên quan đến sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán vừa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và việc chuẩn bị thành lập sở giao dịch chứng khoán Việt Nam đã không tác động nhiều đến diễn biến thị trường. Có lẽ các nhà đầu tư đã “miễn nhiễm” với việc hoàn thiện khung pháp lý mà theo họ đáng ra phải được hoàn tất từ sớm hơn.
Ngoài ra những vấn đề như đặt trụ sở của sở giao dịch chứng khoán ở đâu không còn có nhiều ý nghĩa trong khi thanh khoản thị trường ngày một co hẹp mà doanh thu, lợi nhuận của các công ty chứng khoán sáu tháng đầu năm nay sụt giảm nghiêm trọng là một bằng chứng.