Sắc xanh bao trùm thị trường. Ảnh minh họa: TTXVN |
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/3 chỉ số VN-Index tăng 16,72 điểm (1,7%) lên 1.001,32 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 208 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 4.802 tỷ đồng. Toàn sàn có 203 mã tăng và 112 mã giảm.
HNX - Index đóng cửa ở mức 109,55 điểm, tăng 1,23 điểm (1,14%). Khối lượng giao dịch đạt trên 64,5 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 692 tỷ đồng. Toàn sàn có 102 mã tăng và 70 mã giảm.
Sắc xanh bao trùm thị trường ngay từ đầu phiên. Nhiều cổ phiếu vốn hoá lớn đồng loạt tăng giá tạo tâm lý tích cực cho thị trường chung.
Dẫn dắt thị trường trong phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Phiên hôm nay sắc xanh bao trùm toàn bộ nhóm này, VCB tăng 3,5%, BID tăng 5,5%, CTG tăng 4,7%, TCB tăng 1,9%, MBB tăng 3,4%.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu như VHM, VRE, VIC cũng tăng tích cực và góp phần tích cực vào thị trường. VHM tăng 2,6% lên 92.300 đồng/cổ phiếu, VRE tăng 3,4% lên 36.700 đồng/cổ phiếu, VIC tăng 0,3% lên 118.600 đồng/cổ phiếu.
Lực đẩy thị trường còn đến từ các cổ phiếu vốn hoá lớn khác như GAS, SAB, VNM.
Ngược lại, MSN, VJC, DHG giảm làm cản đà tăng của thị trường. MSN giảm 1,2%, VJC giảm 0,7%, DHG giảm 0,5%.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 183.260 đơn vị, giá trị hơn 28,66 tỷ đồng.
NVL dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại trong phiên hôm nay với giá trị hơn 39 tỷ đồng. Tiếp đến là VRE (hơn 32 tỷ đồng), VHM (trên 26 tỷ đồng), BWE (hơn 17 tỷ đồng).
VNM dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị hơn 50 tỷ đồng, tiếp đến là HPG, VJC, HBC.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng hơn 1,29 triệu đơn vị, trị giá 17,7 tỷ đồng. VGC dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị hơn 5,9 tỷ đồng.
Trong khi đó, phiên giao dịch ngày 12/3, chứng khoán châu Á hầu hết đi lên, sau khi Ủy ban châu Ây (EC) nhất trí một số thay đổi trong thỏa thuận Brexit ngay trước thêm cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Anh về thỏa thuận "ly hôn" này, vốn đã làm suy yếu các thị trường tài chính trong thời gian qua.
Kết thúc phiên này, chỉ số MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) tăng 0,9%. Tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 378,60 điểm (1,79%), lên 21.503,69 điểm, giữa bối cảnh những lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ đã bị đẩy lùi, nhường chỗ cho tâm lý hứng khởi của giới đầu tư trước thông tin Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí điều chỉnh một số điều khoản trong thỏa thuận Brexit.
Tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng mạnh trong phiên này nhờ kỳ vọng vào các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc và báo cáo tích cực về doanh số bán lẻ của Mỹ. Chỉ số KOSPI tăng 19,08 điểm (0,89%), lên 2.157,18 điểm, mức tăng mạnh nhất theo ngày kể từ 20/2/2019.
Tuy nhiên, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 lại để tuột mất đà tăng vào lúc mở cửa để hạ nhẹ 5,4 điểm (0,087%), xuống 6.174,80 điểm vào cuối phiên, chủ yếu do nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng và tiêu dùng sụt giảm.
Không nằm ngoài xu hướng chung, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi lên, duy trì xu hướng tăng điểm sau khi chứng kiến mức giảm mạnh hồi cuối tuần trước nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng tăng cao khi giá dầu tăng. Khép lại phiên này, chỉ số Hang seng và Shanghai Composite lần lượt tiến 417,57 điểm (1,46%) và 33,32 điểm (1,1%), lên 28.920,87 điểm và 3.060,31 điểm./.