Hồ Hoàn Kiếm - một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. |
TP Hà Nội vừa đề xuất thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân (HĐND) ở 177 phường thuộc 12 quận và thị xã Sơn Tây, từ 1/6/2021, trong nhiệm kỳ 2021 - 2026. Hiện Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo nghị quyết này để Chính phủ trình Quốc hội thông qua.
Theo đề án, mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội sẽ gồm hai cấp thành phố và quận, cùng cơ quan hành chính cấp phường. Ở nông thôn vẫn duy trì ba cấp chính quyền gồm thành phố, huyện (thị xã), xã (thị trấn).
Theo đó, chính quyền cấp thành phố, quận (huyện, thị xã) cơ bản vẫn giữ nguyên gồm HĐND và UBND. Tuy nhiên, HĐND sẽ được sắp xếp theo hướng coi trọng chất lượng, giảm thiểu số thành viên UBND tham gia nhằm đảm bảo cho hoạt động giám sát, chất vấn của HĐND với UBND.
UBND quận, huyện (thị xã) sẽ gồm Chủ tịch, ba Phó chủ tịch và Trưởng Công an, Trưởng Ban chỉ huy quân sự, Chánh Văn phòng, Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch, Trưởng phòng Quản lý đô thị, Chánh Thanh tra.
Với các phường thí điểm, sẽ không tổ chức HĐND mà chỉ có Uỷ ban hành chính (UBHC). Đề án nhận định, các phường trong nội bộ đô thị không phải là một đơn vị hành chính có tính độc lập về kinh tế, xã hội riêng biệt. Đồng thời, HĐND phường hoạt động kém hiệu quả; không quyết định được những vấn đề kinh tế, xã hội trên địa bàn; việc giám sát còn hình thức; làm gián đoạn hoạt động quản lý, điều hành hành chính nhà nước.
"Vì vậy, cấp phường chỉ tổ chức một cấp hành chính theo thiết chế UBHC, trực thuộc quận, là phù hợp", đề án nhận định. UBHC phường gồm Chủ tịch, hai Phó chủ tịch và uỷ viên phụ trách quân sự, công an. Các thành viên UBHC do Chủ tịch quận, thị xã bổ nhiệm và bãi nhiệm.
UBHC phường sẽ thực hiện một số công việc quản lý hành chính và cung ứng dịch vụ công theo phân cấp và uỷ quyền của UBND quận; phối hợp với tổ trưởng dân phố thực hiện nhiệm vụ tự quản của cộng đồng dân cư. UBHC phường không có nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý quy hoạch và ngân sách.
Một số nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND phường trước đây sẽ chuyển cho Chủ tịch UBHC hoặc cấp trên thực hiện. Cử tri phản ánh nguyện vọng, kiến nghị qua tiếp xúc của đại biểu quốc hội và HĐND quận, thị xã, thành phố.
TP Hà Nội cho rằng, mô hình thí điểm này có ưu điểm là bộ máy chính quyền gọn nhẹ, thông suốt; giải quyết nhanh vấn đề cấp bách; trách nhiệm của lãnh đạo phường được xác định rõ ràng; tinh giản biên chế, tiết kiệm ngân sách.
Cùng với thí điểm chính quyền đô thị, thành phố sẽ xây dựng chính quyền điện tử và thành phố thông minh nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để người dân tham gia xây dựng chính quyền.
Hà Nội sẽ sớm hoàn thiện khung kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng cung cấp các loại dịch vụ công. Các cơ sở dữ liệu dân cư, quản lý đất đai, doanh nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, xây dựng, nội vụ, giao thông... sẽ được hoàn thiện, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia. Trung tâm điều hành thông minh thành phố (điều khiển giao thông, tiếp nhận phản ánh của công dân, tổng đài xử lý sự cố khẩn cấp...) sẽ được đưa vào vận hành.
Từ năm 2017, TP Hà Nội đã nghiên cứu đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tháng 10/2018, Bộ Chính trị đã có kết luận, đồng tình với chủ trương này của thành phố.
Tháng 4/2019, Bộ Chính trị đã ban hành kết luận số 46 về đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. Bộ Chính trị giao cho Chính phủ trình Quốc hội dự thảo nghị quyết thực hiện thí điểm không tổ chức mô hình HĐND cấp phường thuộc các quận, thị xã của thành phố.