Trong số 177 gói thầu sử dụng vốn nhà nước năm 2016 do Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc thực hiện, có tới 106 gói thầu áp dụng chỉ định thầu. Ảnh: Nhã Chi |
Chỉ định thầu tiết kiệm 7,47%
Báo cáo về tình hình thực hiện công tác đấu thầu năm 2016, Bộ Công Thương cho biết, toàn bộ các gói thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước tại các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đều được các chủ đầu tư, bên mời thầu tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu.
Trong năm qua, Bộ Công Thương đã thực hiện tổng số 403 gói thầu, trong đó có 117 gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước năm 2016, 226 gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên (trong đó 01 gói thầu thực hiện đấu thầu qua mạng). Tổng giá gói thầu được duyệt là 900,013 tỷ đồng (trong đó 690,789 tỷ đồng thuộc dự án và 209,224 tỷ đồng mua sắm thường xuyên). Tổng giá trúng thầu là 858,764 tỷ đồng (trong đó 653,732 tỷ đồng thuộc dự án và 205,033 tỷ đồng mua sắm thường xuyên).
Đáng lưu ý, trong số 177 gói thầu sử dụng vốn nhà nước năm 2016 do Bộ Công Thương và các đơn vị trực thuộc thực hiện thì số gói thầu chỉ định thầu lên tới 106 gói. Còn hình thức lựa chọn nhà thầu cạnh tranh nhất là đấu thầu rộng rãi thì chỉ có 41 gói thầu với tổng giá trúng thầu là 657,872 tỷ đồng, tổng giá trúng thầu là 623,828 tỷ đồng, chênh lệch 34,044 tỷ đồng.
Đánh giá về tỷ lệ tiết kiệm thông qua các hình thức lựa chọn nhà thầu, Báo cáo nhận xét: “Chỉ định thầu có tỷ lệ tiết kiệm 7,47%”, trong khi hình thức “đấu thầu rộng rãi chỉ đạt ở mức 3,38%”.
Chưa phát hiện các vi phạm về đấu thầu
Việc thực hiện đăng tải thông tin đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng cũng được Bộ và các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị trực thuộc Bộ đã thực hiện việc cung cấp, đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu qua mạng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2015/TTLT-BKHĐT-BTC của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính.
Đề cập về năng lực của các nhà thầu trúng thầu, Báo cáo cho hay, về cơ bản, các nhà thầu có năng lực đáp ứng đủ yêu cầu để thực hiện gói thầu đúng tiến độ, chất lượng. Tuy nhiên, một cán bộ nhận xét, Bộ Công Thương chỉ phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, không trực tiếp được chứng kiến quá trình lựa chọn nhà thầu của các đơn vị, do đó không biết quá trình thực hiện như thế nào, mà chỉ được biết thông qua các báo cáo và hoạt động kiểm tra. “Báo cáo tình hình thực hiện công tác đấu thầu chỉ căn cứ vào dữ liệu người ta đưa lên, nên tính chính xác phụ thuộc vào mức độ trung thực tới đâu”, vị cán bộ này nói.