Cấp “sổ hồng” ở TP.HCM: Nhiều bất cập trong công tác thực thi pháp luật

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ riêng tại TP.HCM luôn bị “vướng”, khiến khách hàng và doanh nghiệp bất bình.
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cần phải rất nỗ lực và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, để thực hiện kịp thời công tác cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án. Ảnh: Ngô Ngãi
Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cần phải rất nỗ lực và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, để thực hiện kịp thời công tác cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án. Ảnh: Ngô Ngãi

Không thể đùn đẩy trách nhiệm

Văn bản của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) gửi UBND TP.HCM ngày 16/9/2020 liên quan đến việc đề nghị sớm giải quyết thủ tục “tiền sử dụng đất” để sớm cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án nhà ở” được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bởi lẽ, đằng sau tổng số 63 dự án thuộc 17 tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản, bao gồm 30.402 căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp “sổ hồng” là biết bao tiền bạc và thân phận của khách hàng đang còn bị “đánh đu”.

Theo lý giải của ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, đối với những khó khăn, vướng mắc nổi cộm gây ảnh hưởng đến công tác cấp giấy chứng nhận trong dự án phát triển nhà ở, khâu xác định giá đất của dự án để người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai với nhà nước là khâu khá quan trọng, vì thực tế có hàng chục dự án bị “treo sổ hồng" chỉ vì bị tắc tiền sử dụng đất của dự án, doanh nghiệp.

“Với dự án hoàn chỉnh pháp lý, Sở sẽ giải quyết ngay việc cấp sổ hồng. Còn với những vướng mắc phát sinh thì ở cấp độ thành phố, Sở đã kiến nghị UBND TP.HCM xem xét, chấp thuận tổ chức buổi họp với các sở ngành, đơn vị có liên quan về những khó khăn, vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể và giải pháp tháo gỡ”, ông Thắng nhấn mạnh.

Thế nhưng, HoREA cho rằng, với hơn 30.402 căn nhà chưa được cấp “sổ hồng” mà HoREA đã báo cáo, thì số lượng nhà chậm được cấp sổ chiếm tỷ lệ rất cao, lên đến hơn 72,6%.

Kết quả này đặt ra yêu cầu đối với Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM là phải rất nỗ lực và phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, để thực hiện kịp thời công tác cấp “sổ hồng” cho người mua nhà tại các dự án, chứ không thể đùn đẩy và giải thích vòng vèo mãi.

Đề xuất của Sở chưa được ghi nhận?

Theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, thời gian qua, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM có đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính xem xét tháo gỡ vướng mắc trong việc thẩm định giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, xác định 7 vấn đề còn khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá và thời hạn hiệu lực của Chứng thư thẩm định giá, việc xác định giá đất trong quá khứ, vướng mắc trong các phương pháp xác định giá đất khi thực hiện thẩm định giá, việc định giá đất đối với một số vị trí có lợi thế sinh lợi cao, ở vị trí đắc địa và khó khăn trong việc cấn trừ các khoản chi phí tạo lập đất vào nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA, các đề xuất trên đây của Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM không thấy được ghi nhận trong Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đang trình Chính phủ xem xét ban hành.

Cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ “vướng” tại TP.HCM, điều này thể hiện rõ những bất cập trong công tác thực thi pháp luật.

Do đó, theo ông Châu, UBND TP.HCM cần ban hành “quy trình chuẩn” về xác định giá đất, thẩm định giá đất, ban hành quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại.

Đặc biệt, các chuyên gia bất động sản cũng lưu ý thêm, việc đề nghị phân cấp cho UBND cấp huyện cấp “sổ hồng” (cấp mới, cấp đổi) cho tổ chức, cá nhân, phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương, khi xem xét sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết. Có như vậy, việc cấp sổ hồng mới không bị ách tắc, đùn đẩy, gây bức xúc như lâu nay.

Chuyên đề