Chiều 25/6, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Sunhouse- người được mệnh danh là shark (cá mập), nói: “Đây là nhầm lẫn từ phía siêu thị”.
Khi được hỏi, chiếc nồi cơm điện này có bao nhiêu phần trăm linh kiện nhập từ Trung Quốc? Ông Phú nói: “100% của Việt Nam”. Ông cũng giải thích, loại nồi này được sản xuất tại Quốc Oai (Hà Nội).
Theo ông Phú, đây là lỗi của siêu thị đã ghi sai nguồn gốc của sản phẩm. Thực tế, nó là hàng Việt Nam. “Tôi đã yêu cầu siêu thị sửa lại nguồn gốc xuất xứ” - ông Phú nói.
Trước đó, khi vụ việc nhãn hàng Asanzo (ông chủ là “cá mập” Tam) bị báo chí phanh phui, PV hỏi “cá mập” Phú rằng “Hàng hoá sử dụng nhiều linh kiện Trung Quốc rồi dán mác hàng Việt có thể xem là mập mờ để lừa dối người tiêu dùng không?”.
Ông Phú đã nói: “Đó là sai. Nếu không đạt tỷ lệ nội địa hóa không thể dán mác hàng Việt. Đặc biệt, nếu các linh kiện đã dán nhãn “Made in China”, hay bất kể nước nào đó, phải để nguyên, không thể bóc đi rồi dán mác “Made in Vietnam” đè lên. Một sản phẩm được lắp ráp nhiều linh kiện từ nhiều nước thì mác trên linh kiện vẫn phải để thế, còn nếu lắp ráp xong đủ tỷ lệ nội địa hóa mới được dán thêm nhãn hàng Việt. Còn doanh nghiệp đúng sai ra sao cơ quan chức năng sẽ là người phân xử, kết luận.
Đáng lưu ý, sản phẩm của Sunhouse cũng có nhiều loại “Made in china” và có những loại trong siêu thị ghi rõ nguồn gốc Trung Quốc, vẫn treo “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Cách đây mấy ngày, Asanzo đã bị tước danh hiệu “hàng Việt Nam chất lượng cao” do nghi án mạo danh nguồn gốc sản phẩm.