Ảnh Internet |
Đồng thời, phối hợp với các đơn vị trong ngành tham mưu, xây dựng các văn bản hướng dẫn dưới luật, trình các cấp ban hành để luật này sớm đi vào cuộc sống.
Ông Trương Hùng Long cho biết, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại sẽ chủ động triển khai công tác nghiệp vụ quản lý nợ công; các công việc liên quan đến cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ của chính quyền địa phương.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cũng phối hợp với Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tài chính triển khai các công việc liên quan đến phát hành, đăng ký, lưu ký, niêm yết và giao dịch trái phiếu chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ sớm trình Chính phủ xem xét, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn đúng với thời điểm luật có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.
Trước đó, tại phiên họp toàn thể sáng 23/11 của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, với 85,74% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi).
Luật được thông qua gồm 10 chương với 63 điều, quy định về quản lý nợ công, bao gồm hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công. Nợ công quy định tại luật này bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh, nợ chính quyền địa phương.
Luật được áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công.
Nguyên tắc quản lý nợ công được xác định Nhà nước quản lý thống nhất về nợ công, bảo đảm việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý nợ công.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ công, bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.
Các nội dung quản lý Nhà nước về nợ công gồm: ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nợ công; xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, giải pháp và chính sách về quản lý nợ công.
Bên cạnh đó, tổ chức thực hiện quản lý nợ công, bao gồm đề xuất, thẩm định, phê duyệt chủ trương vay, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay và phát hành công cụ nợ, phân bổ và sử dụng vốn vay, trả nợ và các nghiệp vụ quản lý nợ công.
Theo dõi, cung cấp thông tin và đánh giá hiệu quả công tác quản lý, sử dụng nợ công.
Thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công…/.