Nguyên nhân chính dẫn đến khác biệt giữa tổng mức đầu tư ban đầu và chi phí thực tế của các dự án BOT là do không dùng đến chi phí dự phòng. Ảnh: Lê Tiên |
Chi phí dự phòng được tính đến 25 - 35%
Trong báo cáo mới nhất gửi Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GTVT đã có những giải trình liên quan đến kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với các dự án BOT thời gian qua, cụ thể là về việc giảm thời gian thu phí sau khi kiểm toán.
Theo Bộ GTVT, đối với dự án BOT, tổng mức đầu tư chỉ là cơ sở để xác định sơ bộ thời gian hoàn vốn làm cơ sở đàm phán hợp đồng tín dụng và hợp đồng dự án. Riêng dự phòng khối lượng cho phép tính 10%, nói cách khác là chấp nhận sai số đối với khối lượng là 10%. Do vậy, việc yêu cầu xác định tuyệt đối tổng mức đầu tư của dự án là khó khả thi. Bộ GTVT đã quy định rõ trong hợp đồng, căn cứ giá trị đầu tư được quyết toán làm tổng vốn đầu tư chính thức để xác định thời gian thu phí hoàn vốn.
Từ những lý giải của Bộ GTVT có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến sai khác giữa tổng mức đầu tư ban đầu và chi phí đầu tư thực tế là do không dùng đến chi phí dự phòng. Theo Bộ GTVT, chi phí dự phòng được tính đúng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng tại Thông tư số 04/2010/TT-BXD, bao gồm dự phòng cho yếu tố khối lượng và dự phòng cho yếu tố trượt giá. Đối với công trình giao thông, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài (trên 2 năm), đặc biệt chỉ số giá xây dựng giai đoạn 2008 - 2012 ở mức cao, trung bình từ 10 - 13% nên khi phê duyệt dự án ở giai đoạn 2012 - 2015, chi phí dự phòng thông thường bằng khoảng 25 - 35%.
Tuy nhiên Bộ GTVT cho biết, thực tế, khi triển khai dự án, chỉ số giá xây dựng tương đối ổn định ở mức thấp, lãi suất giảm; đặc biệt là ở các năm 2013 - 2015, các dự án đều rút ngắn thời gian thi công nên chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng, chi phí bù giá đều giảm. Đồng thời, Bộ GTVT chỉ đạo phân kỳ đầu tư một số đoạn qua đô thị phù hợp với nhu cầu, điều chỉnh các giải pháp kỹ thuật, kiểm soát việc sử dụng chi phí dự phòng của nhà đầu tư, nên nhiều dự án đã không sử dụng đến nguồn dự phòng. Phần chi phí chưa sử dụng sẽ không được quyết toán và sẽ giảm thời gian thu phí tương ứng.
Tổng giá trị dự toán giảm hơn 14 nghìn tỷ
Theo Bộ GTVT, tất cả các hợp đồng BOT đều quy định, thời gian thu phí ban đầu chỉ là dự kiến, thời gian thu phí chính thức phải được xác định lại theo giá trị quyết toán công trình phù hợp với các kết luận thanh tra, kiểm toán. Đồng thời, thường xuyên được cập nhật khi có biến động về lãi suất, lưu lượng xe so với dự kiến ban đầu. Thực tế, một số dự án chưa được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán, Bộ GTVT căn cứ vào giá trị dự toán và đã đàm phán ký hợp đồng điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí như Dự án Quốc lộ 10 đoạn La Uyên - Tân Đệ được điều chỉnh rút ngắn thời gian thu phí tạm tính ban đầu 21,33 năm xuống còn 10 năm 3 tháng; Dự án Cầu Rạch Miễu, Quốc lộ 10, tỉnh Bến Tre điều chỉnh giảm từ 22 năm 10 tháng xuống còn 13 năm 5 tháng…