Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại Lễ công bố hợp tác chiến lược sáng ngày 15/8, tại Hà Nội (ảnh: BCT) |
Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 là sáng kiến của Google nhằm cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng số cho 500.000 người lao động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Hoan nghênh sáng kiến của Tập đoàn Google hợp tác với Bộ Công Thương trong triển khai Chương trình với tên gọi “Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0”, ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, đây là một sáng kiến thể hiện trách nhiệm xã hội của một tập đoàn công nghệ lớn có cam kết hoạt động lâu dài tại thị trường Việt Nam. Ông Hưng tin tưởng, với sự đầu tư nghiêm túc của Google, cùng với sự vào cuộc của Bộ Công Thương, chúng ta sẽ cộng hưởng lợi thế của mỗi bên nhằm mang lại hiệu quả to lớn về phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng số tại Việt Nam.
Ông Hưng cho biết, thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam có tiền đề phát triển tốt với tốc độ phát triển ở mức độ cao trong khu vực. Theo Sách trắng Thương mại điện tử năm 2019 của Bộ Công Thương, thị trường TMĐT của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khoảng 30%/năm, đạt 8,06 tỷ USD vào năm 2018, chiếm 4,2% tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Số người tham gia mua sắm trực tuyến đạt gần 40 triệu người, với mức chi tiêu bình quân khoảng 210 đô la/năm. Trong tương lai, việc ứng dụng các công nghệ số đặc biệt các công nghệ của cuộc CMCN 4.0 sẽ tiếp tục tạo ra những thay đổi về chất của TMĐT, dẫn đến tác động sâu hơn tới diện mạo của hoạt động thương mại và phương thức kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.
Chương trình Bệ Phóng Việt Nam Digital 4.0 được khởi động tại Việt Nam vào tháng 6/2018 và đã tổ chức các khóa đào tạo cho gần 85.000 người hoạt động trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ với 24 mô hình đào tạo tại 6 trung tâm đào tạo ở các thành phố gồm Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đà Lạt và Hải Phòng. Chương trình đã nhận được giải thưởng Vietnam Digital Award năm 2018 và một giải Global CSR Award (Giải thưởng xuất sắc cho việc cung cấp kiến thức và giáo dục) năm 2019.