Bộ Công Thương khẳng định việc doanh nghiệp phản ánh phải mất 20.000 nếu muốn có giấy chứng nhận xuất khẩu gạo là không đúng sự thật. |
Thông tin từ Thanh tra Bộ Công Thương cho biết ngay sau khi có thông tin phản ánh của ông Nguyễn Văn Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC tại một cuộc toạ đàm tổ chức ở TP HCM cuối tháng 2/2017, rằng doanh nghiệp tốn 20.000 USD nếu muốn xin một giấy phép xuất khẩu gạo, đơn vị này đã vào cuộc điều tra, xác minh.
"Sau gần một tháng điều tra, xác minh Bộ Công Thương khẳng định chuyện doanh nghiệp phải chi 20.000 USD nếu muốn có được giấy phép xuất khẩu gạo là bịa đặt", văn bản của Bộ Công Thương nêu.
Đoàn thanh tra do Thanh tra Bộ chủ trì đã có buổi làm việc với ông Minh và các lãnh đạo Công ty TNHH ADC tại trụ sở công ty này tại TP HCM. Tại buổi làm việc, Tổng giám đốc Công ty ADC thừa nhận ông có phát biểu tại cuộc toạ đàm trên, nhưng ý kiến phát biểu sau đó đã được phản ánh không chính xác.
Theo Bộ Công Thương, ông Nam khẳng định đã và đang trao đổi lại với một số cơ quan báo chí để đề nghị làm rõ lại các nội dung báo đăng. Ông cho biết, với tư cách cá nhân, ông sẽ có trách nhiệm giải thích với các cơ quan có thẩm quyền và các cơ quan báo chí về việc đăng tải thông tin không đúng thực tế.
Rà soát nội bộ của Bộ Công Thương cũng cho thấy cơ quan này không nhận được hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cũng như bất kỳ yêu cầu nào về kinh doanh xuất khẩu gạo của Công ty TNHH ADC. Công ty này cũng chưa bao giờ tiếp xúc, liên hệ, trao đổi với các đơn vị chức năng liên quan của Bộ Công Thương về vấn đề xuất khẩu gạo.
"Việc ông Ngô Văn Nam - Tổng Giám đốc Công ty TNHH ADC phát biểu tại tọa đàm là phải mất hàng chục nghìn đôla để được cấp phép xuất khẩu gạo là hoàn toàn không đúng sự thật. Việc này đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Bộ Công Thương", văn bản nhấn mạnh.
Liên quan tới thủ tục cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, theo cơ quan này, các điều kiện đã được quy định tại Nghị định số 109/2010 với các tiêu chí cụ thể, có thể định lượng được. Việc kiểm tra, xác nhận các điều kiện này đã được phân cấp rõ ràng. Cụ thể, các cơ quan chức năng của địa phương mới là nơi thực hiện công tác kiểm tra, xác nhận điều kiện kho chứa, cơ sở xay xát của doanh nghiệp. Trường hợp địa phương đã xác nhận là đủ điều kiện thì Bộ không có quyền từ chối cấp phép cho doanh nghiệp.