Doanh nghiệp ngành gỗ đã có sự thay đổi lớn về công nghệ sản xuất, chế biến. Ảnh: Tiên Giang |
Tận dụng lợi thế, bứt phá thị trường
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm 2018, kim ngạch XK của ngành gỗ cán mốc 9,382 tỷ USD, chiếm trên 23% kim ngạch XK của cả ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt trên 7 tỷ USD.
Mục tiêu được Bộ NN&PTNT đặt ra trong năm nay là đạt 11 tỷ USD giá trị kim ngạch XK gỗ và lâm sản. Ngay trong tháng đầu năm 2019, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ đã đạt 952 triệu USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đạt được kết quả này, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, doanh nghiệp (DN) ngành gỗ còn được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã tham gia...
Đặc biệt, theo chia sẻ của bà Dương Thị Tú Trinh - Giám đốc Công ty TNHH Thượng Nguyên, đó cũng là do sự chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến gỗ. Từ chỗ phụ thuộc vào chế biến thủ công, máy móc thô sơ, tốn nhiều sức người, thì đến nay đã có sự thay đổi lớn về công nghệ sản xuất, chế biến gỗ như sử dụng máy chế biến CNC, hệ thống tự động hóa... Nếu trước đây cần tới 8 nhân công đứng máy, thì nay chỉ cần có 3 người.
Tuy nhiên, kỳ vọng về sự phát triển hơn nữa của ngành gỗ, tại Diễn đàn, Thủ tướng cho rằng, kết quả đạt được là chưa đủ, cần bứt phá và hiệu quả hơn, cần nhìn nhận thẳng thắn những bất cập, hạn chế hiện nay của ngành gỗ.
Cần doanh nghiệp có quy mô đủ lớn
Một trong những khó khăn được các DN nhắc tới nhiều nhất thời gian qua là “nguồn nguyên liệu”. Theo bà Đỗ Thị Bạch Tuyết - Tổng giám đốc Công ty CP Woodsland, đa số DN đang gặp khó khăn lớn trong việc thu mua nguyên liệu trong nước, do phải cạnh tranh với thương lái thu mua để xuất thô đi nước ngoài. Đối với nguồn nhập khẩu, hiện nhiều nước thắt chặt nguồn nguyên liệu từ rừng khiến cho nguyên liệu càng trở nên khan hiếm.
Các FTA, đặc biệt là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), được đánh giá là tạo lợi thế cho Việt Nam, nhưng theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, để tận dụng được lợi thế này là không dễ, bởi DN phải đảm bảo tuân thủ đúng quy tắc về nguồn gốc xuất xứ khá phức tạp. Mặt khác, sự cạnh tranh giữa DN trong nước và DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là rất lớn, bởi họ có nhiều lợi thế hơn về công nghệ, vốn...
Hiện có 867 DN FDI hoạt động chế biến gỗ với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, 61% số DN này có hoạt động XK. Mặc dù chỉ chiếm hơn 20% tổng số DN XK gỗ, nhưng DN FDI lại chiếm tới gần 47% tổng kim ngạch XK của cả ngành. Thủ tướng đặt vấn đề, giá trị mà DN trong nước thực sự thu được từ những lợi thế nói trên?
Về nguồn nguyên liệu, theo Thủ tướng, với đặc điểm địa lý và thổ nhưỡng của Việt Nam, địa phương nào cũng có thể trồng rừng. Vấn đề là chính sách khuyến khích người dân trồng rừng và phát triển giống cây có giá trị gia tăng cao.
“Chúng ta có 4.500 DN và nhiều xưởng mộc truyền thống, nhưng chưa có đơn vị nào hoàn thiện được chuỗi giá trị có quy mô lớn. Kinh tế hộ, hợp tác xã rất quan trọng, nhưng cần phải có quy mô tầm cỡ để cạnh tranh lớn với quốc tế... Muốn làm được điều này phải có vùng nguyên liệu đủ lớn và hợp pháp từ rừng trồng”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Do đó, Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành, địa phương cần nghiên cứu, đánh giá, liệu Nhà nước đã có cơ chế, đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của ngành hay chưa? Nhất là hạ tầng lâm sinh, chính sách tín dụng, hỗ trợ DN đầu tư chế biến, khuyến khích và tạo điều kiện để người dân trồng rừng, phát triển rừng nguyên liệu; nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ hiện đại, năng lực quản trị DN, liên kết chuỗi giá trị toàn cầu; đào tạo nhân lực có trình độ...
Bà Dương Thị Tú Trinh chia sẻ, các DN cần đón sóng công nghệ mới, đầu tư nhiều hơn cho thiết kế cũng như trang bị thêm công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên, việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ cao đòi hỏi một lượng vốn rất lớn, cho nên Nhà nước cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn trung và dài hạn.