Xin hỏi chuyên gia, Bên mời thầu do chủ đầu tư quyết định thành lập có được tự quyết định việc kéo dài thời gian làm rõ E-HSDT hay phải trình xin ý kiến chủ đầu tư? Trường hợp này có được xem là tình huống trong đấu thầu hay chỉ các tình huống quy định tại Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP hay tùy do Bên mời thầu tự xem xét theo Điều 88 Luật Đấu thầu 2023?
Thành viên góp ý
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Hiện nay, pháp luật về đấu thầu không có quy định về việc bên mời thầu phải xin phép/ trình xin ý kiến chủ đầu tư khi kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu (trong đó có thời gian làm rõ hồ sơ dự thầu). Tuy nhiên, bên mời thầu phải chịu trách nhiệm giải trình với chủ đầu tư về việc kéo dài thời gian làm rõ hồ sơ dự thầu, dẫn đến kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khiến tổng thời gian của quá trình lựa chọn nhà thầu vượt quá thời gian lựa chọn nhà thầu đã duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu hoặc được nêu trong kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, khi phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư bắt buộc phải ghi cụ thể thời gian lựa chọn nhà thầu (số ngày hoặc số tháng) và thời gian bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu (ghi tháng hoặc ghi quý trong năm). Còn trong kế hoạch tổng thể lựa chọn nhà thầu, dựa vào hướng dẫn tại Điều 36 Luật Đấu thầu 2023, cấp có thẩm quyền của mỗi dự án có thể nêu cụ thể hoặc nêu chung về các mốc tiến độ thực hiện các công việc chính, gói thầu (trong đó có thể có thời gian lựa chọn nhà thầu, đánh giá hồ sơ dự thầu…).
Thông thường, quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu đều tuân thủ và gói gọn trong thời gian lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt trước đó. Tuy nhiên, trong thực tế, khi bên mời thầu phát hiện các thông tin trong hồ sơ dự thầu cần có thêm thời gian để làm rõ thì yêu cầu nhà thầu làm rõ, phối hợp với các đơn vị liên quan làm rõ. Trường hợp sau khi yêu cầu làm rõ và nhà thầu đã cung cấp tài liệu làm rõ nhưng bên mời thầu chưa đủ cơ sở, chưa đủ rõ để đánh giá hồ sơ mời thầu thì tiếp tục yêu cầu nhà thầu cung cấp tài liệu làm rõ bổ sung, thời gian làm rõ phải đảm bảo để không làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu.
Trường hợp kéo dài thời gian làm rõ hồ sơ dự thầu như đề cập ở trên không phải là tình huống trong đấu thầu. Một số tình huống trong đấu thầu điển hình đã được quy định tại Điều 131 Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.
Việc xử lý tình huống trong đấu thầu là thẩm quyền và trách nhiệm của chủ đầu tư nên trong trường hợp phát hiện gói thầu xuất hiện tình huống trong đấu thầu thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xử lý. Bên mời thầu không thể “tự xem xét” theo Điều 88 Luật Đấu thầu 2023.
LƯU Ý: CÁC THÔNG TIN TRONG BÀI ĐĂNG CHỈ MANG TÍNH THAM KHẢO