Đâu sẽ là động lực để phát triển thị trường bất động sản TP.HCM? Ảnh minh họa. |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế đặc thù này sẽ có tác động lớn đến nhiều ngành kinh tế như tài chính, ngân hàng, sản xuất, thương mại và đời sống người dân, riêng thị trường bất động sản sẽ không được hưởng lợi nhiều.
Liên quan đến thông tin này, ông Bùi Văn Hiếu, Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM cho rằng, theo Nghị quyết 54 mà Quốc hội thông qua, nhìn chung sẽ tạo ra tổng thể các điều kiện để TP.HCM cất cánh, bứt phá; thực hiện đúng vai trò "đầu tàu" kinh tế của cả nước cũng như phương châm mà Chính phủ đặt ra đó là TP.HCM vì cả nước và cả nước vì TPHCM.
Ông Hiếu cho rằng, cơ chế đặc thù như trên sẽ là điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển các ngành kinh tế, trong đó sẽ là một bức đột phá cho thị trường bất động sản phát triển cùng với các ngành kinh tế mũi nhọn khác của TP. Theo Chánh văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, hiện nay, ngành bất động sản đang mang lại doanh thu lớn cho TP và cũng là một trong những ngành mũi nhọn mà lãnh đạo TP.HCM định hướng phát triển để thu hút vốn FDI nước ngoài.
“Bước vào năm 2018, TP.HCM đã chuẩn bị 21 chương trình thực hiện cơ chế đặc thù. Trong đó, có cả những đề án thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp bất động sản trong việc xây dựng TP.HCM thông minh. Định hướng lại hướng phát triển TP về khu vực cao để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, xây dựng lộ trình chuyển đổi hợp lý 1/3 quỹ đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị... Tất cả đều dựa trên bản điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM đến năm 2030 tầm nhìn năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt cuối năm 2017”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu thì khi áp dụng cơ chế đặc thù, TP.HCM sẽ được tự quyết những việc trước đây Chính phủ hay các bộ quyết định như cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, phê duyệt chủ đầu tư của một số dự án xây dựng chung cư cũ, các dự án quy mô từ 10ha đất nông nghiệp trở lên... Chính điều này là lợi thế cho thị trường bất động sản, doanh nghiệp sẽ không phải chạy ra các bộ, ngành để xin thủ tục như trước kia.
Với lơi thế trên, ông Hiếu cho rằng, ngay năm 2018, thị trường bất động sản TP.HCM sẽ hưởng lợi và tăng trưởng tích cực hơn năm 2017, cũng như vẫn giữ được ổn định như giai đoạn vừa qua.
Đặc biệt, người phát ngôn của Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, với cơ chế trên, định hướng của lãnh đạo TP.HCM là đưa thị trường bất động sản phát triển tập trung vào phân khúc căn hộ vừa túi tiền, 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn đang có tính thanh khoản cao nhất. Đưa phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn, phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường, đất nền phân lô sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nóng.
Từ đó, đẩy quy mô thị trường bất động sản TP.HCM vượt ra khỏi ranh giới hành chính của TP và đã có tính lan tỏa trong "vùng TP.HCM", nhất là tại các huyện thuộc các tỉnh giáp ranh TP.HCM.
TP.HCM cũng kỳ vọng ở cơ chế đặc thù này thì thời gian tới, xu thế hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, kể cả với các nhà đầu tư nước ngoài sẽ tăng trưởng mạnh hơn. Bên cạnh đó là xu thế phát triển bất động sản xanh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhiều tiện ích và dịch vụ phục vụ khách hàng, sẽ tác động tích cực và góp phần phát triển thị trường bất động sản bền vững, tạo lập TP.HCM thông minh.
Bên cạnh đó, ông Hiếu còn cho biết, việc kết hợp giữa cơ chế đặc thù và bản điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.HCM sẽ tạo ra một cuộc bức phá mới cho thị trường bất động sản trong việc giãn dân và liên kết vùng. Điều này đã thấy được ở năm 2017 và dự kiến bùng nổ trong năm 2018, bởi hiện nay, các doanh nghiệp nộp hồ sơ xin cấp phép dự án mới chiếm số đông là các dự án vùng ven.