Bản tin thời sự sáng 2/11

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một trong các sự kiện nổi bật 24 giờ qua thu hút sự quan tâm của dư luận là g ần 2.000 học sinh trường bị sập mái được nghỉ hai ngày; lộ trình tắt sóng điện thoại “cục gạch”; cháy lớn ở công ty làm ghế sofa tại Bình Dương; cần 300.000 tỷ đồng cho giao thông khu Đông TP.HCM…

Gần 2.000 học sinh trường bị sập mái được nghỉ hai ngày

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM quyết định cho gần 2.000 học sinh trường THPT Bình Phú nghỉ học ngày 2 - 3/11 để khắc phục mái trường bị sập.

Dãy phòng học trường THPT Bình Phú bị tốc mái

Dãy phòng học trường THPT Bình Phú bị tốc mái

Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM cho biết, sáng 2/11, Sở sẽ họp với trường và UBND Quận 6 để chốt kế hoạch khắc phục sự cố sập tại trường THPT Bình Phú.

Học sinh khối 12 sẽ trở lại trường ngày 4/11, trong khi khối 10 và 11 sẽ học luân phiên hoặc trực tuyến. "Học sinh sẽ được đảm bảo an toàn tuyệt đối khi đến trường", ông Trung nói.

UBND Quận 6 kiến nghị sử dụng nguồn kinh phí phòng chống lụt bão để sửa chữa trường.

Tối 31/10, cơn giông lốc lớn kéo sập toàn bộ mái tôn một dãy nhà gồm 15 phòng học của trường THPT Bình Phú, trên đường Trần Văn Kiểu (Phường 10, Quận 6). Trường xây cách đây 20 năm, với 36 phòng học và phòng chức năng, hiện có 1.991 học sinh.

Cháy lớn ở công ty làm ghế sofa tại Bình Dương

16.000 m2 sàn nhà xưởng công ty chuyên sản xuất ghế sofa ở Khu công nghiệp Sóng Thần 3, TP. Thủ Dầu Một, bị ngọn lửa bao trùm, thiêu rụi, trưa 1/11.

Ngọn lửa bốc lên từ tầng bốn của tòa nhà

Ngọn lửa bốc lên từ tầng bốn của tòa nhà

Vụ cháy xảy ra khoảng 11h, khi Công ty TNHH UE Furniture đang hoạt động. Phát hiện ngọn lửa bốc lên từ dãy nhà bốn tầng trong khu xưởng sản xuất ghế, các công nhân liền hô hoán đồng thời chữa cháy.

Tuy nhiên, những vật dụng bị cháy chủ yếu là gỗ và nệm mút nên trong chốc lát, ngọn lửa bùng lên bao trùm toàn bộ tòa nhà. Khói đen bốc cao nghi ngút đứng xa hàng km vẫn trông thấy. Hàng chục công nhân làm việc trên các tầng nhà tháo chạy thoát thân.

Cảnh sát PCCC Bình Dương huy động 21 xe chuyên dụng và hơn 100 chiến sĩ tới dập lửa. Đến đầu giờ chiều, đám cháy cơ bản được khống chế. Vụ hỏa hoạn không gây thiệt hại về người, song khoảng 16.000 m2 diện tích sàn cùng máy móc, nguyên vật liệu, thành phẩm bị cháy rụi. Nguyên nhân vụ cháy đang được làm rõ.

Công ty TNHH UE Furniture mới hoạt động được 3 tháng, đang chuẩn bị xây thêm một số khu chức năng bên cạnh để mở rộng sản xuất.

Cần 300.000 tỷ đồng cho giao thông khu Đông TP.HCM

Sở Giao thông vận tải dự kiến cần 300.000 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông khu Đông (Quận 2, 9, Thủ Đức) theo hướng đô thị thông minh trong 10 năm tới.

Nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức), một trong những nút giao trọng điểm ở khu Đông TP.HCM, hồi đầu tháng 10

Nút giao Trạm 2 (quận Thủ Đức), một trong những nút giao trọng điểm ở khu Đông TP.HCM, hồi đầu tháng 10

5 nhóm dự án được Sở Giao thông vận tải tập trung phát triển ở khu vực này đến năm 2030, gồm: chương trình đô thị thông minh; hạ tầng đường bộ; metro, buýt nhanh (BRT), đường thuỷ; bến bãi và vận tải công cộng. Tổng nhu cầu vốn dự kiến hơn 300.000 tỷ đồng, trong đó ngân sách thành phố hơn 83.000 tỷ đồng, còn lại các nguồn khác (Trung ương, xã hội hóa, ODA...).

Về nhóm đầu tư kết cấu hạ tầng: bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông ở khu Đông; ưu tiên các tuyến kết nối liên vùng như: khép kín đường Vành đai 2, 3; hoàn chỉnh đường liên khu vực như Lã Xuân Oai, Nguyễn Duy Trinh, đường liên cảng; xây cầu Thủ Thiêm 3, 4; cải tạo nút giao An Phú, Mỹ Thuỷ, Thủ Đức...; phát triển Metro Số 1, giai đoạn 2 - Metro Số 2, Metro Số 3b; các tuyến đường sắt nhẹ Trảng Bom - Hòa Hưng, Thủ Thiêm - sân bay Long Thành...

Sở Giao thông vận tải xác định 16 dự án đường bộ ở khu Đông chưa hoàn thành giai đoạn 2016 - 2020 là nhóm cần ưu tiên đầu tư từ năm 2021 - 2025 như: Vành đai 2 (đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa); mở rộng xa lộ Hà Nội, đường Lương Định Của, Đồng Văn Cống, nút giao Mỹ Thuỷ; cầu Tăng Long, Nam Lý...

Giai đoạn 2021 - 2030, các công trình trọng điểm ưu tiên là khép kín hai đoạn Vành đai 2 là từ cầu Phú Hữu đến ngã tư Bình Thái và từ Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng; xây hai cầu trên đường N2 và N4 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; làm nút giao An Phú. Đồng thời, các dự án xây mới bằng hình thức đối tác công tư (PPP) như Vành đai 3 (đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch), cầu Cát Lái, mở rộng quốc lộ 13... sẽ được tập trung xây dựng.

Quảng Ngãi: Mái nhà kho sập trêm công trường Hòa Phát - Dung Quất, 3 công nhân tử vong

5 công nhân đi ăn trưa bằng xe máy xúc trên công trường Hòa Phát Dung Quất thì mái nhà kho đổ ập xuống khiến 3 người tử vong, 2 người bị thương nặng.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát - Dung Quất

Tối 1/11, lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi cho biết đơn vị đã lập đoàn công tác mở rộng điều tra vụ tai nạn lao động trên công trường Hòa Phát - Dung Quất.

Theo hồ sơ, vụ tai nạn lao động xảy ra khoảng 11h30 ngày 28/10 tại Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất, Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong lúc di chuyển bằng xe máy xúc đi ăn trưa, 5 công nhân không may gặp nạn. Thời điểm này, toàn bộ Nhà máy đã dừng sản xuất từ 21h ngày 27/10 để phòng, chống cơn bão số 9.

Ông Đinh Văn Chung, Phó giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất cho biết thêm trong lúc cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền, mái kho than của nhà máy nguyên liệu bị sập.

Theo ông Chung, ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng cứu hộ của Công ty CP Thép Hòa Phát - Dung Quất đã đến hiện trường và đưa 5 người bị kẹt trong xe đến bệnh viện ở tỉnh Quảng Nam cấp cứu. Theo thông tin từ bệnh viện, 3 người tử vong, 2 người bị chấn thương nặng.

Bà Diệp Bạch Dương lừa hàng loạt lãnh đạo TP.HCM

Đại gia Diệp Bạch Dương trong các cuộc thương lượng hoán đổi nhà đất với UBND TP.HCM chỉ đưa bản sao có công chứng quyền sử dụng đất, bởi bản gốc đã thế chấp ngân hàng.

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra hồi tháng 1/2019

Bà Dương Thị Bạch Diệp tại cơ quan điều tra hồi tháng 1/2019

Trong cáo trạng truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp (Giám đốc Công ty Diệp Bạch Dương) vừa ban hành, VKSND Tối cao xác định nữ đại gia bất động sản đã "qua mặt" ông Nguyễn Thành Tài (Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và nhiều lãnh đạo sở, ngành trong hơn 3 năm thương thảo hoán đổi trụ sở Trung tâm Ca nhạc nhẹ tại số 185 đường Hai Bà Trưng lấy nhà đất 57 Cao Thắng (Quận 3).

Quyền sử dụng đất 57 Cao Thắng đã bị thế chấp cho Ngân hàng Agribank TP.HCM vay 8.700 lượng vàng. Hành vi của bà Diệp và sai phạm của hàng loạt lãnh đạo thành phố đã gây thiệt hại cho ngân sách 186 tỷ đồng.

VKSND Tối cao xác định hàng loạt lãnh đạo ban ngành TP.HCM đã thiếu trách nhiệm trong việc xác minh tính minh bạch của khu đất, tạo điều kiện cho bà Diệp thực hiện hành vi gian dối, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 186 tỷ đồng.

Theo đó, ông Nguyễn Thành Tài; Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường); Trần Nam Trang (nguyên Phó giám đốc Sở Tài chính); Nguyễn Thành Rum (nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch), Vy Nhật Tảo (nguyên Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ TP.HCM) và 3 người khác bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 2 Điều 285 BLHS năm 1999, mức án 3 - 12 năm.

Nguyên Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan đã bỏ trốn; cơ quan điều tra đang truy nã, sẽ xử lý sau.

Bà Diệp bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điểm a Khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức hình phạt cao nhất lên đến chung thân.

Chuyên đề