Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, hiện là nhân viên Khoa sản - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) đã có bản tường trình gửi lãnh đạo bệnh viện về việc em gái dùng bằng cấp 3 của mình để xin việc và làm việc tại Văn phòng Tỉnh uỷ Đắk Lắk.
Bản tường trình của bà Ái Sa (thật) cho rằng em gái mình tên là Trần Thị Ngọc Thêm
Việc nữ Trưởng phòng Quản trị (thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) liên tục biến đổi tên từ Ái Sa sang Ngọc Thảo và giờ lại là Ngọc Thêm khiến vụ việc càng rắc rối.
Trước “ma trận” thông tin về lý lịch của nữ Trưởng phòng Quản trị nói trên, theo một nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên Trần Thị Ngọc Thêm, Trần Thị Ngọc Thảo hay Trần Thị Ngọc Ái Sa đều là một người.
“Qua làm việc, chị Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Thảo hoặc Thêm) thừa nhận là Trần Thị Ngọc Thảo. Hồi nhỏ, chị Thảo có tên là Trần Thị Ngọc Thêm. Tuy nhiên, từ nhỏ đến lớn và hiện nay mọi người trong gia đình đều gọi là Trần Thị Ngọc Thảo. Hiện các cơ quan chức năng đang tiến hành thẩm tra, xác minh và sẽ xử lý nghiêm, không bao che”, nguồn tin này cho hay.
Nữ Trưởng phòng Quản trị (Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk) có lý lịch không rõ ràng nhưng qua nhiều đợt kiểm tra mà không ai hay biết?
Liên quan đến quy trình xác minh lý lịch kết nạp Đảng đối với bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (giả), tối 8/10 một nguồn tin từ Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, trong hồ sơ sinh hoạt Đảng, bà Ái Sa (giả) khai gia đình có 11 anh chị em và không khai tên thật của mình.
Bà Ái Sa (giả) cũng khai, trong 11 anh chị em có chị gái là đảng viên công tác tại một trường mầm non trên địa bàn phường 4 (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Do đó, quá trình xác minh lý lịch, chi bộ Phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã xác minh qua chi bộ của chị gái bà Thảo. Sau đó, chi bộ trường mầm non - nơi chị gái bà Thảo công tác và Đảng ủy phường 4 (TP Đà Lạt) xác nhận, chị gái bà Thảo là Đảng viên. Do đó, chi bộ Phòng Quản trị đã sơ suất không đến Đảng ủy – nơi bố mẹ bà Ái Sa sinh sống để xác minh mới dẫn đến sai sót.