Ông chủ Amazon - Jeff Bezos và vợ - MacKenzie Bezos. Ảnh:DPA |
Không lâu sau khi kết hôn năm 1993, Jeff Bezos nói với vợ mình - MacKenzie về kế hoạch mở cửa hàng sách trực tuyến mà sau này trở thành đại gia thương mại điện tử Amazon. "Tôi không phải là người giỏi kinh doanh. Vì thế, khi nghe ông ấy kể về ý tưởng, thứ tôi thấy chỉ là sự đam mê và hứng khởi", MacKenzie cho biết trên CBS năm 2013, "Với tôi, còn gì tuyệt vời hơn khi chứng kiến bạn đời của mình có một cuộc phiêu lưu và mình cũng tham gia vào đó?".
Năm 1994, cả hai lái xe từ New York City đến Seattle - nơi sau này Amazon đặt trụ sở. Theo Wired, suốt chặng đường, MacKenzie là người cầm lái, còn Jeff phác thảo kế hoạch kinh doanh trên máy tính. "Jeff dùng laptop để vạch kế hoạch, và dùng điện thoại gọi cho các nhà đầu tư tiềm năng", Entrepreneur cho biết.
MacKenzie cũng là một trong những nhân viên đầu tiên của công ty, với vị trí kế toán. Bà chịu trách nhiệm đàm phán các hợp đồng vận chuyển hàng đầu tiên của Amazon. Sau này, MacKenzie mới chuyển sang viết tiểu thuyết.
Hiện tại, 25 năm sau ngày cưới, MacKenzie lại đứng trước một bước ngoặt khác. Đó là cuộc ly hôn với người chồng nay đã là người giàu nhất hành tinh. Còn Amazon hiện cũng là công ty giá trị nhất thế giới. Cả hai thông báo việc này hôm thứ Tư, sau một thời gian dài ly thân.
Theo giới luật sư và chuyên gia quản trị doanh nghiệp, vụ ly dị có thể làm giảm đáng kể cổ phần của Bezos trong Amazon và mở cánh cửa cho MacKenzie trở thành một trong những cổ đông lớn nhất, với quyền lực mới tại công ty. Bang Washington - nơi nhà Bezos sinh sống và đặt trụ sở Amazon, mọi tài sản có được sau kết hôn đều phải chia đều khi ly dị. Quy định này có khả năng áp dụng với gần như toàn bộ khối tài sản 137 tỷ USD hiện tại của Jeff Bezos.
Cả hai chưa lên tiếng xác nhận chuyện có thỏa thuận phân chia tài sản hay không. Thông tin về bang họ sẽ nộp đơn ly hôn cũng chưa được công bố. Nhà Bezos hiện có nhiều bất động sản trên cả nước.
Trong trường hợp không có thỏa thuận hôn nhân, CEO Amazon có thể phải bán hoặc chuyển nhượng nửa số cổ phần trong công ty để đảm bảo tài sản được chia đều. Hiện ông sở hữu 16% Amazon và là cổ đông lớn nhất.
MacKenzie sau đó có thể dùng số cổ phần lớn này để thúc đẩy thực hiện một số thay đổi trong công ty. Tuy nhiên, việc này được đánh giá khó có thể xảy ra. "8% không đủ để tạo ra quyền lực", Michael Pachter - nhà phân tích tại Wedbush giải thích. Bên cạnh đó, "Jeff vẫn tập trung và tham gia vào mọi hoạt động của Amazon", Drew Herdener - Phó giám đốc phụ trách truyền thông tại Amazon cho biết trên CNN.
Không giống nhiều CEO công nghệ khác, như Mark Zuckerberg của Facebook hay Evan Spiegel của Snap, quyền kiểm soát của Bezos tại Amazon không đến từ sở hữu lớn, mà từ vai trò không thể thay thế suốt hơn 20 năm qua. Việc này khó có thể thay đổi khi tỷ lệ sở hữu giảm đi. Trên thực tế, từ nhiều năm qua, tỷ lệ sở hữu của Bezos cũng đã giảm dần khi ông bán cổ phiếu Amazon để có tài chính cho công ty du lịch vũ trụ - Blue Origin.
Thay vào đó, điều đáng quan tâm hơn là hai cổ đông cá nhân lớn nhất Amazon - Jeff và MacKenzie có thể xung đột với nhau sau này, Charles Elson - giáo sư quản trị doanh nghiệp tại Đại học Delaware cảnh báo.
Dù vậy, tất cả kịch bản trên là trong trường hợp MacKenzie muốn đối đầu với Jeff. Luật sư Laurence Hirsch cho rằng cố vấn của MacKenzie gần như chắc chắn sẽ khuyên bà không nên cố dùng quyền lực tại Amazon để can thiệp vào việc kinh doanh, vì nó sẽ chỉ khiến sự việc thêm ầm ĩ, và giảm giá trị số cổ phần bà đang nắm giữ.
"Tôi cho rằng MacKenzie có cơ hội đàm phán nhận số tài sản nhiều hơn công chúng dự báo, để đổi lại sự hợp tác hoàn toàn trong việc này", Hirsch nhận định.
Thông tin Jeff bị tố cáo ngoại tình cũng sẽ càng khiến việc ly dị thêm phức tạp. "Nếu có thể giải quyết hòa bình sau tin tức này, cả hai sẽ vẫn thuộc nhóm người giàu nhất thế giới. Nhưng trong nghề của chúng tôi, khi liên quan đến chuyện cảm xúc và có sự can dự của người khác, hai bên sẽ đối đầu rất nhiều và tốn thêm một núi tiền nữa", Peter Walzer tại hãng luật Walzer Melcher cho biết.