Dự thảo Luật thiết kế một điều riêng quy định về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế. Ảnh Internet |
Ngoài ra, để bao quát tất cả các nguồn thu của NSNN, dự thảo Luật quy định: Căn cứ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan, Chính phủ quy định việc quản lý đối với các khoản thu thuộc ngân sách nhà nước không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu.
Thực tế, qua rà soát của cơ quan soạn thảo, có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều; mặt khác có nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như: nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế...cần được bổ sung, sửa đổi.
Do đó, dự thảo Luật có những sửa đổi đối với một số nội dung đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, các biện pháp xử lý nợ đọng thuế (khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp), áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, hoàn thiện các quy định về cưỡng chế nợ thuế, xử lý vi phạm hành chính về quản lý thuế, quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử...
Luật Quản lý thuế hiện hành quy định một số hành vi bị cấm tại một số điều như: Cấm sử dụng mã số thuế của người nộp thuế khác; chiếm dụng hoặc sử dụng trái phép tiền thuế... Để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, dự thảo Luật đã thiết kế một điều riêng quy định về những hành vi bị cấm trong quản lý thuế nhằm thực hiện, tuân thủ các nguyên tắc và các nội dung quản lý thuế.