Lãnh đạo ngành đường sắt cho hay, họ chưa có ý kiến phản hồi chính thức vì việc di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm mới chỉ là đề xuất của lãnh đạo cấp quận. |
Liên quan đến việc mới đây tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy Hà Nội, lãnh đạo quận Long Biên kiến nghị TP. Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường cùng các ngành liên quan sớm di dời nhà máy xe lửa Gia Lâm để sử dụng quỹ đất phù hợp với quy hoạch, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của quận và thành phố. Điều mà dư luận quan tâm hiện nay là nếu di dời thì khu đất “vàng” 20ha này sẽ được làm gì?
Theo tìm hiểu hiện khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm nằm ở vị trí trung tâm của quận Long Biên, địa giới hành chính thuộc phường Gia Thuỵ và Ngọc Lâm. Theo quy hoạch phân khu, vị trí đất nhà máy xe lửa Gia Lâm đang sử dụng thuộc ô quy hoạch A6/CCTP có chức năng đất công cộng của thành phố.
Đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc Hà Nội cho biết, khu đất nhà máy xe lửa Gia Lâm có tổng diện tích 20 ha, trong quy hoạch đã tính đến việc di dời ra vị trí khác. Tuy nhiên, đề xuất trên của quận Long Biên cần có thêm thời gian để các cấp ngành của thành phố nghiên cứu.
Cũng theo đại diện Sở Quy hoạch- Kiến trúc, hiện mới có ý tưởng chuyển đổi quỹ đất nhà máy này sau khi di dời thành đất công cộng, trong đó có bảo tàng ngành đường sắt. “Ý kiến của lãnh đạo thành phố tại buổi làm việc cũng đồng tình với kiến nghị của quận Long Biên vì đây là cơ sở ô nhiễm nằm giữa trung tâm quận này. Tuy nhiên, việc di dời cần phải có lộ trình, dựa trên những đề xuất hợp lý. Và thời gian tới thành phố sẽ làm việc với cơ quan chủ quản thống nhất việc di dời nhà máy, vì đây là đề xuất phù hợp với quy hoạch của thành phố”, vị cán bộ cho biết.
Trong khi đó, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng diện tích đất tại Nhà máy xe lửa Gia Lâm cho hay: “Các đề xuất về việc di dời nhà máy chỉ là đề xuất của quận, chưa phải chủ trương của cấp có thẩm quyền. Còn trong trường hợp chuyển đổi vị trí khác cần phải có vị trí phù hợp hơn và về nguyên tắc là không làm tăng chi phí”.
Cũng theo ông Minh, đến nay ngành Đường sắt chỉ có 2 cơ sở công nghiệp lớn là Gia Lâm (Hà Nội) và Dĩ An (Bình Dương), đã được quy hoạch phát triển đường sắt, công nghiệp đường sắt, trường hợp có thay đổi phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ.