Tuần bết bát của cổ phiếu BID

(BĐT) - Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu (CP) Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) giảm 800 đồng xuống còn 15.000 đồng/CP, mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Những thông tin không chính thống trên các diễn đàn làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Ảnh: T. Hà
Những thông tin không chính thống trên các diễn đàn làm ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Ảnh: T. Hà

Nếu tính đỉnh CP BID được thiết lập vào giữa tháng 9/2015 với giá 28.500 đồng/CP, sau hơn 4 tháng CP này giảm giá xuống gần một nửa.

Tuần qua, thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua nhiều phiên giao dịch u ám với phiên khởi đầu đen tối ngày thứ 2 khi VnIndex mất gần 17 điểm. Trong bối cảnh đó, giá các CP giảm là điều rất đỗi bình thường. Tuy nhiên, với trường hợp CP BID lại khá bất thường khi có đến 2 phiên giảm hết biên độ và 1 phiên cuối tuần giảm sâu 800 đồng/CP, có thời điểm giảm sàn trong phiên. Một số phiên giao dịch, CP BID giảm sàn, trắng bên mua. Tính chung cả tuần, CP BID giảm giá hơn 15%. Giá CP BID (15.000 đồng/CP ngày 22/1) đã thấp hơn CP CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (đạt 16.100 đồng/CP ngày 22/1) mặc dù BID luôn duy trì khoảng cách cao hơn đáng kể so với CTG trong khoảng thời gian gần 1 năm trở lại đây. Trong 5 phiên giao dịch tuần qua, mặc dù CP ngành ngân hàng sụt giảm nhưng cũng không có CP nào bị “đo” sàn đến 2 phiên như BID. 

Tuần qua những câu chuyện gì đã đến với BID?

Đầu tuần, thị trường dậy sóng với thông tin BIDV đột ngột dừng cho vay mua nhà đối với các khách hàng có tài sản thế chấp là nhà ở hình thành trong tương lai. Về nội dung này, BIDV cho biết Ngân hàng không dừng việc cho vay nhu cầu nhà ở mà vẫn triển khai cho vay và nhận thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Đối với việc cho vay hỗ trợ nhà ở gói 30.000 tỷ đồng, đến ngày 10/12/2015 doanh số giải ngân đối với hộ gia đình, cá nhân theo gói đạt 4.442 tỷ đồng, dư nợ đạt 4.056 tỷ đồng; doanh số giải ngân đối với doanh nghiệp đầu tư dự án nhà ở xã hội đạt 1.865 tỷ đồng, dư nợ đạt 1.703 tỷ đồng. BIDV cung cấp thêm thông tin: hiện đang có một số vướng mắc liên quan đến giao dịch bảo đảm. Để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật trong thời gian chờ ý kiến hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng và tránh rủi ro pháp lý liên quan đến việc nhận tài sản đảm bảo đối với một số tài sản, BIDV tạm thời ngừng nhận thế chấp đối với các tài sản này, mà chỉ nhận làm tài sản bảo đảm bổ sung.

Một thông tin tiêu cực liên quan đến BID là ông Bùi Văn Khen, nguyên Giám đốc Công ty cho thuê tài chính (thuộc BIDV) chi nhánh Hà Nội bị cáo buộc cùng thuộc cấp đã thực hiện giải ngân, làm thất thoát gần 12 tỷ đồng của Nhà nước. Ông Khen bị Cơ quan điều tra Bộ Công an khởi tố ngày 18/1. Mặc dù là thông tin tiêu cực nhưng ảnh hưởng không quá lớn tới BIDV bởi nhân sự vướng vào lao lý chỉ ở 1 chi nhánh của công ty con thuộc BID và đã bị miễn nhiệm. Số tiền thất thoát theo như truyền thông đưa tin cũng không phải quá lớn.

Trong tuần qua, một số thông tin về kết quả kinh doanh của BIDV xuất hiện trên một số kênh gián tiếp. Theo báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM công bố ngày 18/1/2016, năm 2015 BIDV (Công ty mẹ) đạt 7.036 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng trưởng 16,20%), tương đương 93,81% kế hoạch lợi nhuận hợp nhất cả năm, là 7.500 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận không đạt kế hoạch nhưng con số nợ xấu giảm còn 1,7% là thành tích rất ấn tượng.

Giới đầu tư cho rằng, kết quả kinh doanh của BIDV khá tích cực và tổng thể tuần qua tin xấu, tin tốt đan xen nhưng cũng không đến mức quá tồi tệ dẫn đến việc CP BID liên tục bị bán ra, giảm mạnh. 

Câu chuyện của BID có lẽ nằm ở một góc khuất khác

Trên một số diễn đàn về chứng khoán nội dung được quan tâm nhiều nhất là mối quan hệ tín dụng giữa CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG) và BID. Những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của HAG (lợi nhuận quý III năm 2015 sụt giảm mạnh so với quý III/2014) làm dấy lên nghi ngờ về khả năng thu hồi vốn của BID tại DN này. Trong khi đó, tuần qua trên thị trường chứng khoán, diễn biến giá của CP BID và HAG có những nét tương đồng. HAG và BID cùng giảm sàn ngày 18/1 và 21/1, trong khi đó ngày 22/1 HAG giảm sàn và BID giảm sâu trong đó có thời điểm giảm sàn.

BID là một mã CP lớn có vốn nhà nước chi phối, nằm trong nhóm “tứ trụ”, có tầm ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán. Do đó, diễn biến xấu của CP này cũng tác động tiêu cực đến cả thị trường chung. Trước băn khoăn của nhà đầu tư, rất cần một thông tin chính thức, minh bạch từ phía Ngân hàng BIDV để họ yên tâm nắm giữ hoặc mua vào khi CP xuống giá.

Chuyên đề