Trong ngày 18/1, 187 mã giảm điểm trong đó có 34 mã giảm sàn đã lấy đi của sàn Hà Nội 2,13 điểm, tương ứng giảm 2,82%. Ảnh: NC st |
Lực cầu bắt đáy về cuối phiên chỉ đủ sức chặn đà rơi của VN - Index khi trong phiên có thời điểm giảm trên 20 điểm. Trên sàn Hà Nội, diễn biến thị trường tiêu cực không kém. Cuộc chơi khốc liệt và khắc nghiệt đang thử thách tâm lý các nhà đầu tư.
Hoảng loạn
Nhà đầu tư đã có một ngày giao dịch hoảng loạn khi trên sàn HOSE có 208 mã giảm điểm (hơn 50 mã giảm sàn), 36 mã tham chiếu và 39 mã tăng điểm. Hàng loạt trụ cột như BID, CTG, VNM, VCB, BVH… bị bán tháo trong đó có GAS bị đo sàn… Ông lớn VNM có thời điểm mất giá 6.000 đồng/CP khiến chỉ số giảm thấp nhất trong phiên. Điểm sáng hiếm hoi là CP VIC của Công ty CP Tập đoàn Vincom và MSN của Tập đoàn Masan khi đóng cửa giữ được tham chiếu. Tính chung toàn sàn có trên 164 triệu CP được sang tay, tổng giá trị xấp xỉ 2.600 tỷ đồng.
Trên sàn Hà Nội, 187 mã giảm điểm trong đó có 34 mã giảm sàn đã lấy đi của sàn này 2,13 điểm tương ứng giảm 2,82%. Có 36 mã tham chiếu và 38 mã tăng giá tập trung vào các CP nhỏ nên không đủ sức ngăn chặn đã rơi của HNX - Index. Đáng chú ý là nhóm CP dầu khí giảm sâu, thậm chí giảm sàn, trong đó có nhiều CP đình đám một thời như PVC, PVB, PVS. Đã có 57,5 triệu CP được chuyển nhượng với tổng giá trị 481 tỷ đồng.
Tính từ đầu năm, trải qua hơn 10 phiên giao dịch, VN - Index đã rửa trôi gần 50 điểm, từ 574 điểm xuống còn 526 điểm, kéo theo hàng nghìn tỷ đồng bị bốc hơi. Không có tin tức kinh tế trong nước quá bất thường, thậm chí có nhiều nhận định lạc quan về triển vọng trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, kinh tế nói chung nhưng chứng khoán Việt Nam đã có một khởi đầu không suôn sẻ nếu không muốn nói là tồi tệ.
Cuốn theo chiều… thế giới
Trao đổi với Báo Đấu thầu, Tổng giám đốc một Công ty Chứng khoán (CTCK) lớn tại Hà Nội cho biết, phiên giao dịch đen tối ngày thứ 2 là hệ quả tất yếu do những diễn biến tiêu cực từ thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới, đặc biệt là TTCK Mỹ. Đóng cửa Thứ 6 tuần trước, chỉ số DowJones giảm 300 điểm trong khi thị trường Việt Nam đóng cửa, nên khi giao dịch trở lại vào phiên đầu tiên đã có phản ứng tiêu cực. Các thị trường lớn như châu Âu, Nhật cũng diễn biến tiêu cực. Nhìn lại nửa tháng đầu tiên của năm mới, ông cho biết, thế giới có quá nhiều biến động gây bất ổn tâm lý nhà đầu tư. Giá dầu đã giảm xuống dưới 30 USD trong khi Trung Quốc vốn là tâm điểm chú ý của giới đầu tư đã 2 lần phá giá đồng Nhân dân tệ. TTCK Trung Quốc cũng đã phải ngừng giao dịch khi giảm giá sâu trong tuần giao dịch đầu tiên của năm mới. “Thị trường hiện tại không phản ánh nội tại hoạt động của doanh nghiệp mà phản ánh xu thế dòng tiền. Nhà đầu tư hoảng loạn bán ra trong khi doanh nghiệp vẫn vận hành tốt. Rất có thể nhiều CTCK đã bán chứng khoán thu tiền về, nhà đầu tư bị cảnh báo ký quỹ (call margin) đẩy thị trường đã xấu càng xấu hơn”, ông nhận định.
Theo nhận định của một số nhà phân tích, kinh tế Việt Nam năm 2016 sẽ vẫn giữ được xu thế ổn định và có mức tăng trưởng tốt dựa trên hai trụ cột cầu tiêu dùng và đầu tư trong khi đó nguồn vốn FDI tiếp được duy trì. Kinh tế ổn định nhưng TTCK Việt Nam không thể tách rời xu hướng của thế giới. Giá dầu sụt giảm xuống thấp nhất trong vòng một thập kỷ qua khiến kinh tế toàn cầu tiềm ẩn nhiều bất ổn khó lường. Bên cạnh đó bất ổn kinh tế tại Trung Quốc, chính trị tại Trung Đông… cũng là những câu chuyện không mấy vui vẻ với các nhà đầu tư. Rõ ràng, những diễn biến, đặc biệt là diễn biến tiêu cực sẽ tác động nhanh với cường độ mạnh đối với TTCK Việt Nam.
Trong bản tin nhận định mới đây, không ít CTCK cho rằng, VN - Index trong ngắn hạn sẽ rơi về vùng hỗ trợ 520 - 530 điểm. Tuy nhiên, trong bối cảnh như hiện tại, chỉ số không quá quan trọng bằng việc lựa chọn CP đầu tư. “Để có thể sống sót trên TTCK trong thời buổi có quá nhiều biến động từ bên ngoài, cách tốt nhất là lựa chọn cổ phiếu đầu tư an toàn. Tránh xa CP đầu cơ, CP vướng vào các rắc rối, lựa chọn, tìm kiếm các CP có nền tảng tốt, lượng CP trôi nổi ít, tăng trưởng ổn định, được hưởng lợi từ việc suy giảm nguyên liệu đầu vào như giá dầu, giá cao su giảm… để đầu tư. Chỉ những CP hội tụ các yếu tố đó mới có khả năng trụ vững và đi ngược xu hướng thị trường”, một nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm cho biết.
Bán tháo là cơ hội mua vào?
Trong một báo cáo phân tích chứng khoán công bố cuối tuần trước, CTCK TP.HCM (HSC) chỉ ra nguyên nhân thị trường giảm điểm thời gian qua: mức độ margin vẫn cao và điều này vẫn luôn được chúng tôi đề cập, thị trường thế giới giảm trước nhiều lo ngại. Các nhân tố này có thể sẽ khiến áp lực bán mạnh lên trong tuần sau. Trái lại, hiện định giá CP đã trở nên rất hợp lý và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp là khá lạc quan. Trên thực tế HSC dự báo lợi nhuận sau thuế năm nay của 50 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất sẽ tăng trưởng ở mức 2 con số. Do vậy, trong khi khởi đầu năm 2016 không mấy khả quan sẽ còn tiếp diễn cả ở thị trường Việt Nam và thế giới, thì cần lưu ý là cả nền kinh tế cũng như TTCK Việt Nam không hề chịu tác động của những vấn đề cơ cấu như ở nhiều quốc gia đang phát triển khác. Do vậy đợt bán tháo này là cơ hội mua vào CP khi VN - Index chạm đến các vùng hỗ trợ kỹ thuật. Ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn là 535 và vùng hỗ trợ dài hạn là 510 - 520.