Năm được, mất của cổ phiếu ngân hàng

(BĐT) - Năm 2015 – năm cuối cùng của Đề án tái cấu trúc các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015, một loạt các hoạt động cơ cấu lại các TCTD được triển khai, nhiều thương vụ sáp nhập ngân hàng được thực hiện.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Cùng với chuyển động mạnh trong hoạt động tái cấu trúc, giá cổ phiếu (CP) các ngân hàng niêm yết trên thị trường chứng khoán cũng cồn cào với nhiều con sóng lớn, nhỏ. Triển vọng nào cho CP ngân hàng trong năm 2016? 

Sóng lớn, sóng nhỏ

Nhìn lại 1 năm qua có thể thấy CP ngân hàng đã trải qua không ít con sóng, nhiều CP tăng giá khá ấn tượng. Đáng chú ý nhất là CP VCB của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam. Trong 6 tháng đầu năm 2015, CP VCB tăng tới 56,41% và thay GAS trở thành CP có vốn hóa lớn nhất thị trường với mức giá trên 50.000 đồng/CP. Đến thời điểm hiện tại, CP VCB đang giao dịch ở mức trên 41.000 đồng/CP, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong năm nhưng cũng tăng tương đối so với cùng thời điểm năm 2015 (36.800 đồng/CP vào ngày 15/1/2015).

Một CP có sóng mạnh là BID của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Sau 1năm, BID đã tăng từ 16.000 đồng/CP lên gần 20.000 đồng/CP. Mức đỉnh đạt được trong năm của BID là 28.500 đồng/CP vào trung tuần tháng 9/2015 trước thông tin Quỹ ETF mua vào CP. Liên quan đến BID, nhà đầu tư mua gom CP Ngân hàng TMCP Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long cũng thắng lớn. Trước thời điểm công bố sáp nhập vào BID với tỷ lệ 1:1, trên thị trường OTC CP rất hiếm thanh khoản. Một số nhà đầu tư thạo tin đã kịp thời gom vào CP MHB với giá trên dưới 10.000 đồng/CP. Đến khi hoàn tất giao dịch sáp nhập và niêm yết bổ sung ngày 26/11/2015, nhà đầu tư bán ra ở mức 21.600 đồng/CP thu lời hơn gấp đôi. Tuy nhiên, lượng CP trôi nổi của MHB không nhiều nên chỉ số ít nhà đầu tư tham gia được vào cuộc chơi này.

CP ngân hàng đã hình thành con sóng từ tháng 2/2015 đến tháng 8/2015 và hiện tại đang điều chỉnh. Câu hỏi đặt ra là năm 2016 này, diễn biến sẽ ra sao trước những biến chuyển từ kinh tế vĩ mô và nội tại ngành ngân hàng?.

Một ông lớn nằm trong “tứ trụ” ngân hàng thương mại là CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng có bước tiến tích cực về giá cho dù không tăng mạnh như VCB và BID. Một năm trước CP này giao dịch ở mức 14.000 đồng/CP thì hiện tại đang loanh quanh ở mức 17.000 đồng/CP. Trong năm 2015, mức đỉnh CTG đạt được là 23.000 đồng/CP vào tháng 7.

Nếu các CP đầu ngành có giao dịch sôi động, biến động giá mạnh thì ở nhóm ngân hàng TMCP không có vốn nhà nước chi phối cũng có cải thiện về thanh khoản và giá. Nhóm này bao gồm MBB, ACB, STB, EIB, SHB. Trong nhóm này, MBB tương đối ổn định trong khi SHB vừa trải qua giao dịch nhận sáp nhập HBB, ACB vẫn còn dư âm từ biến động nhân sự từ những năm trước. Đối với EIB là những thông tin liên quan đến quá trình tái cấu trúc. Dòng tiền không ưu tiên vào các CP ở phân khúc này, những biến động giá chủ yếu do ảnh hưởng tác động từ nhóm CP đầu ngành như VCB, BID, CTG.

CP ngân hàng đã hình thành con sóng từ tháng 2/2015 đến tháng 8/2015 và hiện tại đang điều chỉnh. Câu hỏi đặt ra là năm 2016 này, diễn biến sẽ ra sao trước những biến chuyển từ kinh tế vĩ mô và nội tại ngành ngân hàng?. 

Triển vọng khả quan

So với cùng thời điểm năm trước có thể thấy bức tranh ngành ngân hàng đã sáng sủa hơn khá nhiều. Nợ xấu là gánh nặng và áp lực lớn nhất ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của các NHTM năm qua đã được xử lý tích cực. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của phần đông các TCTD đều được nhận định giảm rõ rệt trong năm 2015 và kỳ vọng tiếp tục giảm trong năm 2016. Tính đến cuối năm 2015, trên 90% TCTD cho biết, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng đang ở mức dưới 3%. Thanh khoản của toàn hệ thống TCTD tiếp tục ở trạng thái dồi dào đối với cả VND và ngoại tệ.

Kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các TCTD do Vụ Dự báo, Thống kê tiền tệ thuộc NHNN tiến hành cho thấy, 81% TCTD đánh giá tình hình kinh doanh của đơn vị mình đã “cải thiện” so với năm 2014, trong đó 34% TCTD đánh giá là “cải thiện nhiều”. Trên cơ sở đó, các TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong quý I/2016 và trong cả năm 2016 với 93% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, nhưng theo nhận định của các công ty chứng khoán, CP ngân hàng sẽ tiếp tục có sự phân hóa rõ nét trong năm 2016. Theo đó, dòng tiền sẽ lựa chọn các CP đầu ngành, có sự điều chỉnh đáng kể trong 6 tháng vừa qua. Trong một báo cáo phân tích mới đây,Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đưa ra khuyến nghị nắm giữ đối với CTG.Theo HSC, kết quả kinh doanh của CTG tương đối khả quankhi hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cho năm 2015 với lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 7.360 tỷ đồng (tăng 0,8% so với năm 2014), đạt kế hoạch đề ra trước đó của ngân hàng (7.300 tỷ đồng) và cao hơn 4,5% so với mức dự báo của HSC.

HSC cũng dự báo, năm 2016,CTG đạt lợi nhuận 7.440 tỷ đồng, tăng trưởng 1,08%. So với mức đỉnh thiết lập cách đây 6 tháng CP này đã điều chỉnh giảm 23%.Đối với BID, HSC cho rằng nhờ tăng trưởng tín dụng và huy động cao LNTT công ty mẹ đạt 7.036 tỷ đồng (tăng trưởng 16,20%),  năm 2016, dự báo LNTT sẽ là 7.785 tỷ đồng, tăng trưởng 3,60%.

Hiện các NHTM chưa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2015 và cả năm 2015 cũng như kế hoạch kinh doanh năm 2016. Vốn hóa lớn, nhiều CP có khả năng dẫn dắt thị trường, nhà đầu tư đang hy vọng vào một con sóng ngân hàng được hình thành vào giữa quý I/2016 khi mùa Đại hội cổ đông đến gần và những con số lợi nhuận chính thức được công bố.

Chuyên đề