Nhiều dự án quan trọng quốc gia giải ngân ì ạch

(BĐT) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có báo cáo rà soát tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên có giá trị khối lượng hoàn thành dưới 50% tổng mức đầu tư (TMĐT). Trong danh sách này có nhiều dự án giải ngân rất thấp.
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới giải ngân được 49,18% vốn ODA và khoảng 50% vốn đối ứng
Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông mới giải ngân được 49,18% vốn ODA và khoảng 50% vốn đối ứng

Chưa có số liệu rà soát về tổng mức đầu tư

Theo số liệu tổng hợp từ các báo cáo Bộ KH&ĐT nhận được, số dự án quan trọng quốc gia đã được các bộ rà soát, đánh giá là 17 trên tổng số 18 dự án phải báo cáo. Trong đó, Bộ GTVT có 11 dự án, Bộ Công Thương 3 dự án, Bộ Xây dựng 2 dự án, Bộ Khoa học và Công nghệ 1 dự án, Bộ Quốc phòng 1 dự án.

Các báo cáo rà soát, đánh giá các dự án mới chỉ đề cập về tình hình thực hiện gồm tiến độ, các công việc đã làm, giá trị đã giải ngân; nêu những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị giải quyết. Chưa có dự án nào được rà soát theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là rà soát lại các dự án quan trọng quốc gia có sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên để xác định chính xác TMĐT cần thiết, bảo đảm đầu tư dự án tiết kiệm, hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí.

Các dự án quan trọng quốc gia phải báo cáo đều đang trong giai đoạn thực hiện, do vậy, việc rà soát TMĐT tại giai đoạn này, về nguyên tắc sẽ được xác định dựa trên cơ sở kiểm tra lại giá trị đã hoàn thành của các hợp đồng xây lắp, tư vấn…; kiểm tra lại sự phù hợp của các giải pháp thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, giá trị dự toán, hợp đồng đang thực hiện; kiểm tra lại cơ sở khái toán chi phí đầu tư đối với các hạng mục chưa thực hiện. Tuy nhiên, những nội dung này chưa được các bộ đề cập trong báo cáo.

Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao các bộ thực hiện rà soát, đánh giá bổ sung về những nội dung của các dự án để xác định chính xác TMĐT cần thiết. 

Đường sắt đô thị giải ngân ì ạch

Để tháo gỡ vướng mắc tại những “siêu” dự án này, các cơ quan báo cáo kiến nghị bố trí đủ vốn đối ứng và vốn nước ngoài nguồn NSNN cho các dự án theo kế hoạch; đối với các công trình trọng điểm quốc gia sử dụng vốn ODA, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc giải ngân vốn ODA được thực hiện theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ. Các địa phương nơi có dự án đi qua cần phối hợp, nhanh chóng xử lý dứt điểm để hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch, đảm bảo tiến độ…
Trong 17 dự án nêu trên, có 6 dự án đường sắt đô thị, trong đó TP.HCM có 1 dự án và Hà Nội có 5 dự án. Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên có TMĐT là 47.325 tỷ đồng, thời gian hoàn thành theo kế hoạch là năm 2020, tiến độ thực hiện bảo đảm, tuy nhiên hiện nay đang vướng mắc về nguồn vốn; đến nay giải ngân vốn ODA đạt 23%, vốn NSNN đạt 22%. Các dự án đường sắt đô thị của Hà Nội nhìn chung đều trong cảnh chậm tiến độ, giải ngân ì ạch.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, TMĐT 18.001 tỷ đồng, được thực hiện từ năm 2010 và năm sau phải hoàn thành, đến nay giải ngân được 49,18% vốn ODA và khoảng 50% vốn đối ứng. Khối lượng xây lắp hoàn thành 90% (chưa bao gồm phần thiết bị).

Tuyến đường sắt đô thị thí điểm TP. Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, TMĐT 32.910 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2009 và cũng phải hoàn thành trong năm 2018, nhưng đến nay tiến độ chung mới đạt trên 30%. Đến thời điểm báo cáo, tiến độ các gói thầu xây lắp có những chuyển biến tích cực, từng bước rút ngắn thời gian bị chậm, nhưng tiến độ một số gói thầu thiết bị chậm do phải xử lý tình huống trong quá trình đấu thầu và thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán.

Dự án Đường sắt đô thị TP. Hà Nội số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo thời gian thực hiện theo kế hoạch là 2009 - 2015, tuy nhiên hiện chủ đầu tư mới triển khai các công việc chuẩn bị mặt bằng, thiết kế kỹ thuật, dự toán; sơ tuyển nhà thầu. Công tác đấu thầu, thi công chưa triển khai được do dự án điều chỉnh chưa được phê duyệt.

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 - giai đoạn I có TMĐT 19.460 tỷ đồng, mới giải ngân được 1.204 tỷ đồng, trong khi thời gian thực hiện là 2009 - 2017. Vướng mắc lớn là gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật với Tư vấn JKT đang đàm phán để chấm dứt hợp đồng, có thể phải kéo dài do rất phức tạp (dự kiến đến hết 2017).

Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 - giai đoạn IIA có TMĐT 24.825 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2012 - 2020. Hiện tại chưa lựa chọn được nhà thầu cho gói thầu tư vấn thiết kế kỹ thuật và đang chậm tiến độ so với kế hoạch, giá trị giải ngân đạt 14.282 tỷ đồng.

Chuyên đề