Khu phức hợp khách sạn, văn phòng, căn hộ hạng sang tại 117 Nguyễn Đình Chiểu. |
Theo hãng tin AP, động thái của Yahoo chủ yếu mang ý nghĩa biểu tượng, vì nhiều trong số các dịch vụ của công ty từ lâu đã bị chặn vì chính sách kiểm duyệt nội dung kỹ thuật số của Trung Quốc. Tuy nhiên, các động thái gần đây của Bắc Kinh nhằm tăng cường kiểm soát các công ty công nghệ nói chung, trong đó có các công ty trong nước, có thể giống như “giọt nước làm tràn ly” khiến Yahoo đi tới quyết định này.
“Do nhận thấy môi trường kinh doanh và pháp lý ngày càng khó khăn ở Trung Quốc, các dịch vụ của Yahoo sẽ không còn có thể truy cập từ Trung Quốc đại lục kể từ ngày 1/11”, một tuyên bố của công ty cho hay. Yahoo cho biết “sẽ tiếp tục cam kết đối với các quyền của người dùng và một mạng Internet tự do và cởi mở”.
Động thái của Yahoo diễn ra trong bối cảnh hai chính phủ Mỹ và Trung Quốc căng thẳng trong các vấn đề công nghệ và thương mại. Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo đối với Huawei và một số công ty công nghệ khác của Trung Quốc trên cơ sở cho rằng các công ty này có mối liên hệ với Chính phủ Trung Quốc hoặc quân đội nước này hoặc cả hai. Trung Quốc thì nói Mỹ đang cố tình bóp nghẹt cạnh tranh và tìm cách cản trở sự nổi lên của Trung Quốc về công nghệ.
Yahoo là công ty công nghệ nước ngoài mới nhất rời bỏ thị trường Trung Quốc. Google đã rời thị trường này từ mấy năm trước. Tháng 10 vừa qua, mạng xã hội nghề nghiệp LinkedIn của Microsoft cũng tuyên bố đóng cửa trang web tại Trung Quốc và thay thế bằng một trang chỉ đăng tin tuyển dụng.
Những cuộc ra đi này phản ánh lựa chọn của các công ty Internet tại một thị trường có tiềm năng cực lớn nhưng kiểm duyệt nội dung nghiêm ngặt.
Về phần mình, các công ty Trung Quốc đã nhanh chóng nhảy vào lấp chỗ trống, bằng cách tạo ra những phiên bản thay thế cho dịch vụ của các công ty công nghệ nước ngoài. Công cụ tìm kiếm Baidu đã thay cho Yahoo và Google ở Trung Quốc, trong khi WeChat và Weibo dẫn đầu về nền tảng mạng xã hội.
Việc Yahoo chính thức rời thị trường Trung Quốc diễn ra đồng thời với việc nước này thực thi Luật bảo vệ thông tin cá nhân. Luật này đặt ra giới hạn về thông tin mà các công ty có thể thu thập, đồng thời đặt ra tiêu chuẩn cho việc lưu trữ các thông tin đó.
Luật của Trung Quốc cũng quy định các công ty hoạt động ở nước này phải giao nộp dữ liệu nếu được nhà chức trách yêu cầu, khiến các công ty phương Tây gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc vì có thể vấp phải sự phản đối từ trong nước nếu tuân theo các yêu cầu của Bắc Kinh. Chẳng hạn, hồi năm 2007, Yahoo bị các nghị sỹ Mỹ chỉ trích mạnh sau khi giao nộp cho Bắc Kinh dữ liệu về hai người Trung Quốc bất đồng chính kiến.
Trước khi chính thức rút khỏi Trung Quốc, Yahoo đã giảm quy mô hoạt động tại nước này. Đầu thập niên 2010, Yahoo ngừng dịch vụ âm nhạc và thư điện tử ở Trung Quốc, tiếp đó đóng cửa văn phòng ở Bắc Kinh vào năm 2015. Khi truy cập vào trang tin công nghệ của Yahoo tại Trung Quốc là Engadget China vào ngày 2/11, người dùng nhận được một popup nói rằng trang này đã dừng xuất bản nội dung.
Trung Quốc đã “cấm cửa” hầu hết các trang mạng xã hội và công cụ tìm kiếm nước ngoài như Facebook và Google. Một số người dùng ở Trung Quốc “lách” lệnh cấm này bằng cách sử dụng VPN.
Yahoo được Verizon Communications Inc. mua lại vào năm 2017 và sáp nhập vào AOL. Nhưng sau đó, Verizon đã bán lại Yahoo cho công ty đầu tư cổ phần tư nhân Apollo Global Management với giá 5 tỷ USD. Tháng 9 vừa qua, Apollo tuyên bố thương vụ mua lại Yahoo đã hoàn tất.