Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm |
Các bị cáo đã làm hết trách nhiệm?
Chiều 8/3, phiên xét xử vụ án “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” liên quan sự việc 18 lần vỡ đường ống nước Sông Đà – Hà Nội tiếp tục với phần tự bào chữa của các bị cáo trong Đoàn tư vấn giám sát dự án.
Bị cáo Nguyễn Biên Hùng (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, cựu Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) trình bày: "Với nhiệm vụ là phó đoàn, mọi hành vi dẫn đến sự phạm tội đã được nêu lên trong bản cáo trạng nhưng tôi chỉ ký vào công văn giấy tờ nhằm hoàn chỉnh hồ sơ cho bên chủ đầu tư".
"Trong toàn bộ dự án này, chức năng nhiệm vụ của tôi đến đâu thì đã hoàn thành đến đó. Khi công trình được vận hành, chúng tôi thấy rất mừng. Khi bị khởi tố, rất đau khổ và không biết chia sẻ như thế nào với các bị cáo khác. Nếu tòa chứng nhận tôi có tội, tôi xin nhận tội".
Bị cáo Hoàng Quốc Thống (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng, cựu giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) nói trước tòa: Qua những ngày xét xử, bị cáo cảm ơn các giám định viên khi đã công nhận không thể cắt ống ra để thí nghiệm, khi nghiệm thu có các chứng chỉ kèm theo, trong cáo trạng đưa ra 7 chỉ tiêu nhưng thực chất chỉ có 5 chỉ tiêu.
"Tư vấn giám sát đã thực hiện theo đúng quy định đề ra. Chúng tôi thật sự là người có công với dự án này khi mang lại nguồn nước cho dân. Tư vấn giám sát vẫn cho lắp đặt ống cho công trình bởi khi kiểm tra các giấy tờ kèm theo, chúng tôi phải làm theo để kịp tiến độ dự án, đảm bảo cuộc sống mưu sinh, nếu không ký là có tội với dự án".
Trả lời trước tòa, bị cáo Bùi Minh Quân (cựu PGĐ Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; cựu giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội) nói: "Bị cáo làm trong ngành đã 24 năm, tham gia thiết kế và giám sát nhiều dự án cấp nước và đây là dự án lớn nhất. Các bị cáo đều làm việc hết sức trách nhiệm. Ở dự án này, có nhiều cái mới, đoàn tư vấn giám sát cũng cố gắng làm hết trách nhiệm để mang lại chất lượng tốt nhất".
Đề nghị áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội
Luật sư Lê Ngọc Hà (bào chữa cho nhóm bị cáo trong Đoàn tư vấn giám sát) cho rằng việc cơ quan điều tra và Viện kiểm sát “hình sự hóa quan hệ dân sự” để khởi tố, điều tra, kết luận về tội phạm như vậy trong vụ án này đối với các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát gồm có ông Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống và Bùi Minh Quân như vậy là không chính xác, không khách quan, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của những công dân này.
HĐXX sơ thẩm vụ vỡ ống nước Sông Đà.
Luật sư cho rằng, đối chiếu với các tài liệu thể hiện trong hồ sơ vụ án và các lời khai trong biên bản hỏi cung đối với các kỹ sư Đỗ Đình Trì, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, Nguyễn Biên Hùng có thể khẳng định: Trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa Công ty nước và môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội, các cán bộ thuộc Đoàn tư vấn giám sát của Viwase đã tuân thủ đúng các nghĩa vụ của mình theo quy định tại hợp đồng kinh tế số 18 và Đề cương giám sát, không có lỗi dẫn đến sự cố vỡ đường ống cốt sợi thủy tinh.
Cơ quan điều tra đã xác định lỗi vỡ ống do chất lượng đường ống không đảm bảo gây ra, khi Kết luận giám định của Bộ xây dựng khẳng định các đơn vị thi công tuyến ống về cơ bản đã tuân thủ yêu cầu thiết kế dự án khi thực hiện, công tác thi công xây lắp (do tư vấn giám sát Viwase thực hiện giám sát tại hiện trường) không phải là nguyên nhân gây ra vỡ tuyến ống thì việc khởi tố, truy tố, xét xử đối với 4 cán bộ Đoàn TVGS như vậy là bất hợp lý, không công bằng.
Khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ tư vấn giám sát hiện trường, Đỗ Đình Trì, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân, Nguyễn Biên Hùng hoàn toàn không có động cơ, mục đích phạm tội, đặc biệt không có tư lợi, chỉ đơn thuần là cán bộ làm công ăn lương theo hợp đồng lao động ký với Viwase.
Với toàn bộ những vấn đề đã chứng minh, làm rõ trong phần phân tích và nhận định trên đây, luật sư đề nghị HĐXX áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội tại Điều 13 Bộ luật TTHS năm 2015, áp dụng quy định tại Điều 25 Bộ luật hình sự năm 2015 tuyên bố hành vi đã thực hiện của các bị cáo Đỗ Đình Trì, Nguyễn Biên Hùng, Hoàng Quốc Thống, Bùi Minh Quân trong quá trình triển khai thực hiện Hợp đồng kinh tế số 18-2006/HĐKT-NSĐ ngày 28/3/2006 giữa Công ty CP nước và môi trường Việt Nam với Ban quản lý dự án không phải là tội phạm.
VKS đề nghị mức án cụ thể đối với 9 bị cáo trong vụ án như sau:
Hoàng Thế Trung (cựu GĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 36 – 42 tháng tù.
Nguyễn Văn Khải (cựu PGĐ Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 30 – 36 tháng tù.
Trương Trần Hiển (cựu Trưởng Phòng vật tư, thiết bị thuộc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 24 – 30 tháng.
Trần Cao Bằng (cựu GĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 36 – 42 tháng tù.
Vũ Thanh Hải (cựu Trưởng phòng sản xuất, nguyên Quản đốc phân xưởng, nguyên PGĐ Công ty cổ phần Ống sợi thủy tinh Vinaconex): 30 – 36 tháng tù.
Đỗ Đình Trì (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà – Hà Nội): 30 – 36 tháng tù.
Nguyễn Biên Hùng (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên Phó Trưởng đoàn tư vấn giám sát tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 12 – 15 tháng treo.
Hoàng Quốc Thống (cựu cán bộ Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 24 – 30 tháng treo.
Bùi Minh Quân (cựu PGĐ Xí nghiệp Xây dựng và Kinh doanh thiết bị thuộc Công ty cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam, Bộ Xây dựng; nguyên giám sát viên tại Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội): 15 – 18 tháng treo.