Dự án Tokyo Tower vừa bị PVcomBank siết nợ. Ảnh: Báo Tiền phong |
Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) vừa gặp mặt lần 2 với khách hàng mua căn hộ tại dự án Tokyo Tower chiều hôm nay (6/11). Đây là dự án PVcomBank đã siết nợ do chủ đầu tư là liên danh Tổng công ty lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) và Công ty cổ phần Sông Đà 1.01, cùng đơn vị phân phối không thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Sự thay đổi so với lần gặp mặt trước là PVcomBank đưa thêm quyền lấy lại tiền cho khách hàng mua căn hộ tại dự án Tokyo Tower. Ông Mai Xuân Thuần, Giám đốc Khối quản lý và Tái cấu trúc tài sản PVcomBank cho biết, ngân hàng này đã đứng ra làm việc với một số nhà đầu tư và sẽ đóng vai trò kết nối giữa những đơn vị này với khách hàng mua nhà. Nếu khách hàng muốn nhận lại tiền thay vì đợi dự án hoàn thành, những nhà đầu tư này sẵn sàng mua lại căn hộ với mức giá theo thỏa thuận.
Đại diện PVcomBank cũng cho biết mức giá mua, sau khi ngân hàng đàm phán sơ bộ với những nhà đầu tư này, sẽ bằng với số tiền mà khách hàng đã thanh toán cho chủ đầu tư Sông Đà 1.01.
Nếu người mua nhà muốn nhận nhà, bà Hồ Việt Hà, Phó giám đốc Khối quản lý và tái cấu trúc tài sản PVcomBank cho biết, ngân hàng sẽ triển khai các thủ tục theo quy định pháp luật để hoàn thiện dự án, đảm bảo giao nhà cho người mua sớm nhất có thể.
Theo đại diện ngân hàng, thời gian tối thiểu để hoàn thiện dự án khoảng 6 tháng kể từ ngày tái khởi động. Tuy nhiên, phương thức để ngân hàng tiếp tục triển khai dự án sẽ liên quan đến việc hoàn thiện pháp lý sau này cho từng người mua nhà, và ngân hàng phải xin ý kiến chấp thuận của cơ quan chức năng để làm cơ sở thực hiện.
"Thời gian để cơ quan chức năng chấp thuận các thủ tục là khách quan, ngân hàng không thể chủ động, song PVcomBank cam kết sẽ thực hiện với tiến độ nhanh nhất có thể sau khi hoàn thiện các thủ tục pháp lý", bà Hà cho biết.
Tuy nhiên từ phía cư dân, một số ý kiến vẫn còn hoài nghi về cách xử lý dự án Tokyo Tower của PVcomBank.
Ông Quang Hưng, chủ sở hữu căn hộ B1902 nêu câu hỏi về cách lấy lại tiền nếu không muốn đợi nhận căn hộ. Trong trường hợp đó, khách hàng muốn PVcomBank công bố rõ ràng thủ tục và thời gian nhận tiền cụ thể.
Mở rộng băn khoăn của ông Hưng, ông Lê Trung Tạ, chủ sở hữu căn hộ A1906 đặt bốn câu hỏi cho phía ngân hàng xoay quanh tính pháp lý nếu người mua nhà muốn nhận lại tiền, và trong trường hợp đó đơn vị nào sẽ trả tiền phạt chậm giao nhà. Nếu khách hàng muốn nhận nhà, chủ đầu tư mới có cam kết giữ nguyên thiết kế như hợp đồng mua bán mà khách hàng đã ký với Sông Đà 1.01 hay không và thời gian giao nhà có được đảm bảo đúng hạn là ngày 30/6/2019.
Về phía ngân hàng, ông Mai Xuân Thuần, Giám đốc Khối quản lý và Tái cấu trúc tài sản khẳng định, PVcomBank không có chức năng kinh doanh bất động sản, do đó không thể trực tiếp mua lại nhà của khách hàng.
Để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, ngân hàng đã tìm kiếm, lựa chọn và làm việc sơ bộ với một số chủ đầu tư có nhu cầu mua lại căn hộ để đầu tư. Theo đó, nếu khách hàng có nhu cầu bán lại sẽ đăng ký với ngân hàng từ ngày 15 đến 23/11. Việc thanh toán sẽ được thực hiện từ ngày 25/11 đến chậm nhất là ngày 31/12/2018.
Liên quan đến tiền phạt chậm giao nhà, bà Hồ Việt Hà cho biết nghĩa vụ tài chính này không nằm trong hợp đồng bảo lãnh mà PVcomBank đã ký với chủ đầu tư. Phần nghĩa vụ này, thực tế, nằm trong hợp đồng mua nhà mà khách hàng đã ký với Sông Đà 1.01. Phía ngân hàng cũng cho biết đến nay đang cố gắng đẩy nhanh nhất tiến độ xử lý công việc để sớm đưa dự án tái khởi động. Thời hạn giao nhà sớm nhất ngày 30/6/2019 vẫn được giữ nguyên như cuộc gặp dân cư lần gần nhất.