Dự án Thanh Hà hiện nay đã thuộc về đại gia Lê Thanh Thản. |
Trước đó, bản án hình sự phúc thẩm năm 2014 có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, phần trách nhiệm dân sự bị kháng cáo theo trình tự giám đốc thẩm.
Thủ đoạn lừa đảo
Bản án phúc thẩm thể hiện, năm 2010, bị cáo Trần Hồng Việt, SN 1976, tại Vĩnh Phúc, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại quốc tế Hương Việt (Hương Việt) cùng 4 đồng phạm gồm Nguyễn Khắc Toản (SN 1970, tại Bắc Giang), nguyên Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hương Việt; Hà Đức Nhơn (SN 1979, tại Hải Phòng); Huỳnh Hoàng Bắc (SN 1975, tại Sóc Trăng); Trương Hoàng Hải (SN 1978, tại Hà Nội) có hành vi lừa đảo tiền của khách hàng đầu tư mua nhà đất tại dự án Khu đô thị Thanh Hà (do Cienco 5 là chủ đầu tư).
Công ty Hương Việt không có chức năng kinh doanh và môi giới bất động sản, nhà đất, nhưng Việt và Toản quảng cáo Công ty đang tham gia triển khai dự án Thanh Hà, có khả năng giúp khách hàng ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư.
Việt mua các bản vẽ tổng thể dự án Thanh Hà ở cửa hàng photocopy, chỉnh sửa và đặt tại Công ty để tạo sự tin tưởng của khách hàng. Nhiều người đã đến đặt tiền cho Việt để mua đất. Đến hẹn giao đất, Việt, Toản cùng các đồng phạm khất lần việc giao đất với khách hàng, hoặc chuyển họ sang mua nhà đất ở nơi khác. Cá biệt, có những hợp đồng cùng một lô đất nhưng Việt vẫn ký với nhiều người và nhận tiền.
Hội đồng xét xử xác định, các bị cáo đã chiếm đoạt số tiền 94 tỷ đồng của các cá nhân và pháp nhân.
Theo bản án phúc thẩm năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội đã xử phạt bị cáo Việt, Toản, Hải mức án chung thân về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Bắc lĩnh án 22 năm tù, Nhơn 12 năm tù.
Kháng cáo dân sự
Về trách nhiệm dân sự, bản án tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Công ty cổ phần Địa ốc C&T 33 tỷ đồng, Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Đông Dương (Đông Dương) 32,9 tỷ đồng. Cienco 5 nộp lại số tiền 20 tỷ đồng.
Cho rằng trong số tiền 20 tỷ đồng có 10 tỷ đồng lấy từ Công ty Đông Dương nên doanh nghiệp này đã có đơn đề nghị xem xét lại phần dân sự theo trình tự giám đốc thẩm.
Quá trình xem xét cho thấy, năm 2010, Công ty Đông Dương và Công ty Hương Việt ký hợp đồng hợp tác đầu tư kinh doanh bất động sản. Tháng 5/2010, Công ty Hương Việt và Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí (PVFC) ký hợp đồng ủy thác quản lý vốn; trong đó có biên bản ghi nhớ chuyển nhượng quyền vốn góp vào dự án HH3.
Lợi dụng biên bản ghi nhớ, Công ty Hương Việt yêu cầu Công ty Đông Dương chuyển số tiền 30,5 tỷ đồng. Ngay sau khi nhận tiền, Công ty Hương Việt “lật kèo”, rút toàn bộ vốn tại PVFC, nhưng không trả lại tiền cho Công ty Đông Dương. Số tiền trên, Việt lấy 10 tỷ đồng và 10 tỷ đồng từ nguồn khác để lấy được biên bản ghi nhớ thỏa thuận góp vốn mua đất. Việt sử dụng biên bản ghi nhớ này chiếm đoạt số tiền 34,5 tỷ đồng của 2 khách hàng cá nhân khác.
Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xác định, nguồn gốc số tiền 20 tỷ đồng có 10 tỷ đồng Việt lấy từ số tiền nhận của Công ty Đông Dương. Tuy nhiên, tòa án phúc thẩm không trả số tiền này cho Công ty Đông Dương mà nộp vào tài khoản của Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội để thực hiện nghĩa vụ thi hành án là không đúng.
Quyết định giám đốc thẩm nêu, “khi đã xác định được chủ sở hữu hợp pháp của khoản tiền trên thì phải trả lại cho họ theo đúng quy định pháp luật”. Hội đồng giám đốc thẩm đã hủy phần nội dung này, giao cho tòa án xét xử sơ thẩm lại. Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã chấp nhận kiến nghị giám đốc thẩm, hoàn trả 10 tỷ đồng cho Công ty Đông Dương. Với quyết định này, bị cáo Việt và Toản được giảm trách nhiệm dân sự, tương đương mỗi người là 4,5 tỷ đồng.