Vì sao đất nền Alibaba hút khách?

Chiêu bán đất siêu rẻ, hệ thống phân phối đa cấp, bẫy lợi nhuận khủng của Địa ốc Alibaba đã khiến hàng nghìn người sập bẫy.
Công an khám xét chi nhánh Công ty Alibaba.
Công an khám xét chi nhánh Công ty Alibaba.

Tổng giám đốc Công ty đầu tư bất động sản Việt An Hòa, Trần Khánh Quang cho rằng có 2 nhóm lý do khách quan lẫn chủ quan khiến đất nền Alibaba chào bán hút khách trong thời gian qua.

Đầu tiên là giá bất động sản tăng liên tục trên diện rộng bất chấp đã từng diễn ra sốt đất trong giai đoạn 2016-2018. Một vài nơi giá đất còn tăng đột biến đến mức chỉ trong 6 tháng đã đội giá gấp đôi. Biến động giá đất quá mạnh mẽ sau những cơn sốt chính là điều kiện thuận lợi cho Alibaba bán dự án ở vị trí xa xôi hẻo lánh trong bối cảnh đại đa số người Việt luôn muốn "ôm" đất làm của để dành và đầu tư.

Nhóm nguyên nhân khách quan trên đã khiến cho các nguyên nhân chủ quan, là những chiêu trò "buôn gian bán lận" của Alibaba phát huy tác dụng và hấp dẫn người mua. Chính vì sốt đất đã từng diễn ra nên việc kêu gọi góp vốn mua đất nền giá cực rẻ chia sẻ lợi nhuận khủng khiến nhiều người tin tưởng vào kịch bản khả thi. Nhà đầu tư tay ngang, người dân thiếu hiểu biết sẵn sàng góp tiền cho Alibaba.

Hàng loạt công ty thuộc Alibaba mua đất nông nghiệp vị trí xa, diện tích lớn dễ đánh lừa khách hàng về sự hoành tráng của dự án. Đất càng nằm ở xa, giá thành càng thấp nhưng khách hàng túi tiền eo hẹp lại tưởng hời vì mua được giá "mềm" giữa thời giá đất leo thang. Lãnh đạo Công ty Alibaba còn liên tục diễn thuyết tô vẽ đạo đức bản thân, đồng thời bán hàng trực tiếp cho nhân viên để gây hiệu ứng đám đông.

Theo ông Quang, trong một thị trường bất động sản đã từng xảy ra nhiều biến động sốt đất, sản phẩm rẻ lập tức gây sốt, tất cả các chiêu "buôn gian bán lận" đất nền thường dễ tạo niềm tin cho khách hàng ở giai đoạn đầu. Điều này lý giải được vì sao các sản phẩm đất nền của Alibaba có thể dễ dàng bán cho nhiều người.

Trong khi đó, Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group cho rằng mô hình huy động vốn đa cấp cam kết lợi nhuận của Alibaba là một trong những mắt xích quan trọng khiến các sản phẩm của đơn vị này thu hút nhiều người mua.

Ông Lộc phân tích, công thức của Alibaba là cam kết lợi nhuận kèm theo quyền sử dụng đất hiện hữu và ponzi tài chính. Lợi nhuận được cam kết lên đến 28%. Đất hiện hữu là do người dân ủy quyền cho Alibaba vẽ dự án trái luật để bán giá siêu rẻ. So với chung cư, đất nền là kênh đầu tư hiệu quả hơn. Đây là lý do nhân viên sale của Công ty Alibaba dễ dàng thuyết phục khác hàng sập bẫy vì đất sờ được, thấy được và đi trên đó được.

Khi Ponzi tài chính, Alibaba dùng chiêu huy động vốn theo phương pháp lấy tiền người này để trả cho người khác – một hình thức đa cấp. Sale bằng mọi giá mời gọi người mua xuống tiền đặt cọc và thu tiền theo tiến độ tự Alibaba đặt ra. Đội ngũ nhân viên hùng hậu bán đất theo công thức người mua đầu (F1) biết mình mua sản phẩm bất động sản có rủi ro về pháp lý vẫn tiếp tục bán đi cho người khác (F2, F3...).

Luật sư Lộc cho biết, vòng tròn giao dịch đa cấp của Alibaba tạo nên một "từ trường" mạnh hút khách hàng lao vào mua nền đất. Quả bom nổ chậm cứ chuyền tay từ người này sang người kia. Người mua sau suy nghĩ đơn giản, chỉ cần không lỗ không mất tiền, lại có lãi thì dại gì không đầu tư nên hồ sơ khách mua nền đất cứ thế tăng dần.

Ông Nguyễn Lộc Hạnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Ngọc Châu Á cho rằng Alibaba hút khách trong thời gian qua bằng cái bẫy chi phí đầu tư rẻ nhưng lãi khủng.

Đánh vào phân khúc đất nền giá rẻ, chỉ 200-300 triệu đồng một nền thậm chí chỉ có 100-150 triệu đồng vẫn tậu được một lô đất. Đa phần những người ham đất rẻ chỉ có bấy nhiêu tiền ít ỏi vốn không mua được gì nên rất háo hức đầu tư. Do không tiếp cận nhiều nguồn thông tin, người mua dễ bị dẫn dắt vào vòng tròn ma trận.

Bài toán cụ thể là mua đất có giá siêu rẻ, không ra được sổ Alibaba sẽ cam kết mua lại, lợi nhuận cam kết 20-28% trong 12 tháng. Một bức tranh sinh động được vẽ ra với rủi ro bằng không. Để hỗ trợ cho sàn diễn thêm sinh động, bên bán bố trí nhiều khách hàng làm cò mồi, nhân viên đứng tên mua chung.

Nhân viên cũng là khách hàng chính của công ty. Muốn được lên làm quản lý thì giới thiệu người vào và mua hàng để thể hiện tính trung thành với công ty. Mua càng nhiều càng được cộng điểm cống hiến. Một nhân viên giới thiệu được 5 người vào hệ thống này thì lên quản lý. Mỗi người về xin gia đình 100-200-300 triệu đồng để mua, thị trường đất nền từng nóng sốt nên bán được nhanh. Nhân viên sẽ được ưu tiên nhận lãi suất và tái đầu tư.

Alibaba còn dựng các clip nhận tiền lãi, chia sẽ lợi nhuận, làm giấy tờ văn bản giả... "Bẫy lãi suất và cam kết mua lại tinh vi khiến cho không chỉ khách hàng tay ngang mà ngay cả nhà đầu tư có thâm niên vẫn bị dính đòn", ông Hạnh nhận xét.

Cơ quan cảnh sát điều tra cho biết, bước đầu xác định có hơn 6.700 người giao dịch tại 40 dự án "ma" của Địa ốc Alibaba với số tiền lên đến hơn 2.500 tỷ đồng. Theo chỉ đạo của Chủ tịch Công ty cổ phần địa ốc Alibaba là Nguyễn Thái Luyện, 2 em trai Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh đã thu gom một lượng lớn đất nông nghiệp ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai... rồi dùng pháp nhân Công ty Alibaba và các công ty con lập hàng chục dự án ảo, quảng cáo rầm rộ rồi phân lô bán trái luật; hoặc huy động vốn của hàng nghìn khách hàng. Các dự án này đều chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép...

Ngoài các công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, Công ty Alibaba còn thành lập hàng chục doanh nghiệp khác đảm nhiệm việc tư vấn đầu tư, xây dựng, quảng cáo, vận tải và bán lẻ hàng may mặc. Các doanh nghiệp này chủ yếu hoạt động theo mô hình công ty TNHH Một thành viên, vốn dưới 5 tỷ đồng. Hiện cả ba anh em Luyện, Lĩnh, Lực đều đã bị tạm giam và khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Chuyên đề