Công nhận tại dự án xây cầu ở miền trung tỉnh Hồ Bắc hôm 23/3. Ảnh:AFP. |
Phục hồi nền kinh tế trong lúc vẫn xuất hiện những ca nhiễm nCoV mới có thể mang lại kinh nghiệm cho những nước đang xem xét thời hạn phong tỏa nhằm kiểm soát Covid-19, động thái quyết liệt có thể dẫn tới suy thoái kinh tế toàn cầu và làm hàng triệu người mất việc làm.
Covid-19 khởi phát tại Trung Quốc, khiến nước này gần như ngừng hoạt động trong tháng 1 khi số người nhiễm nCoV liên tục tăng. Các biện pháp phong tỏa cứng rắn cùng nỗ lực điều trị đã giúp Bắc Kinh kiểm soát tình hình. Trung Quốc không còn phát hiện ca nhiễm mới trong nước, lệnh phong tỏa tâm dịch Hồ Bắc cũng được gỡ bỏ trong tuần này.
Dù vậy, những biện pháp trên cũng khiến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bị đình trệ suốt nhiều tuần. Nước này chứng kiến đà suy giảm lần đầu tiên trong hàng chục năm, trong khi các nhà phân tích của Goldman Sachs cho rằng GDP quý đầu năm 2020 của Trung Quốc có thể sụt giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chính phủ Trung Quốc hiểu rằng nỗ lực kiểm soát virus sẽ ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế và đang tìm cách bảo đảm những hậu quả tiêu cực sẽ không kéo dài.
"Thiệt hại kinh tế đang trở nên không thể chấp nhận được. Tôi nghĩ không nên chờ tới lúc virus biến mất hoàn toàn mới bắt đầu tái khởi động kinh doanh và sản xuất", Xingdong Chen, chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại tập đoàn tài chính BNP Paribas, nêu quan điểm, thêm rằng Bắc Kinh cần cân đối giữa khôi phục kinh tế và cảnh giác với đại dịch.
Các nước phương Tây cũng đang xem xét bài toán đánh đổi kinh tế với ngăn chặn Covid-19. Tổng thống Donald Trump hôm 23/3 cho rằng "nước Mỹ sẽ sớm mở cửa kinh doanh trở lại" dù thừa nhận tình hình lây nhiễm virus sẽ rất tồi tệ, trong bối cảnh số ca nhiễm tại nước này vẫn tăng nhanh và chưa có dấu hiệu đạt đỉnh.
Trong lúc đó, Bắc Kinh đang phát tín hiệu thuyết phục các doanh nghiệp rằng cuộc sống đang trở lại bình thường. Tuy nhiên, nối lại hoạt động của nhà máy và cơ sở kinh doanh buộc Trung Quốc phải cẩn trọng. Các nước châu Á đã vượt qua đỉnh Covid-19 vẫn đối mặt với đợt dịch thứ hai khi người nhiễm nCoV trở về từ nước ngoài, cùng với đó là nguy cơ tái bùng phát nếu virus không bị xóa sổ tại các cộng đồng địa phương.
"Nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ hai ở Trung Quốc đang gia tăng", Ting Lu, chuyên gia kinh tế tại tập đoàn Nomura của Nhật, nhận xét.
Kế hoạch giải cứu kinh tế của Trung Quốc phụ thuộc vào hàng loạt chính sách nhằm hối thúc người lao động trở lại làm việc, khuyến khích lòng tin vào kinh doanh trong nước và quốc tế, cũng như bảo vệ càng nhiều công ty khỏi phá sản càng tốt.
Ngoài hàng tỷ USD để mua trang thiết bị y tế và điều trị cho bệnh nhân, chính phủ Trung Quốc cũng đầu tư lượng lớn tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để tạo việc làm. Nước này cũng giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ, đồng thời yêu cầu ngân hàng hoãn nợ cho các gia đình và công ty gặp khó khăn để giúp họ sống sót qua đại dịch.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc phát thông điệp rằng nước này có thể bật dậy mạnh mẽ sau Covid-19, kêu gọi các công ty và nhà đầu tư nước ngoài không nên sợ hãi. Hãng tin Xinhua cuối tháng 2 từng gọi Tesla là "biểu tượng niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài với Trung Quốc" sau khi tập đoàn Mỹ tái khởi động nhà máy khổng lồ tại Thượng Hải và công bố kế hoạch mở rộng sản xuất.
Khi số lượng ca nhiễm mới giảm dần, nhiều khu vực tại Trung Quốc đã bắt đầu dỡ lệnh phong tỏa và cho phép người dân đi lại tự do, miễn là họ có giấy tờ chứng minh sức khỏe.
Dây chuyền sản xuất ôtô tại một nhà máy ở Vũ Hán hôm 23/3. Ảnh:AFP.
Trung Quốc cũng đưa ra
những biện pháp đặc biệt cho giới lao động. Chính quyền Bắc Kinh đã yêu cầu các hãng vận tải thiết lập đường bay và chuyến tàu hỏa đặc biệt để đưa công nhân ngoại tỉnh "từ cửa nhà đến cổng nhà máy". 290 triệu công nhân ngoại tỉnh, những người đảm nhiệm công việc vất vả với mức lương thấp nhưng mang tính chất sống còn, được coi là động lực của nền kinh tế.
Chính sách này dường như đang phát huy hiệu quả, khi hơn 90% tập đoàn công nghiệp đã trở lại hoạt động vào ngày 17/3, theo báo cáo của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn khi chỉ 60% mở cửa trở lại vào cùng thời điểm.
Bắc Kinh cũng thừa nhận nỗ lực khôi phục kinh tế đang ẩn chứa nhiều nguy cơ. Nước này vẫn phát hiện hàng chục ca nhiễm nCoV mới mỗi ngày, phần lớn là từ những người ở nước ngoài về. Đặc khu Hong Kong cũng chung nỗi lo khi số ca nhiễm mới đang tăng trở lại.
"Nguy hiểm từ các ca nhiễm lẻ tẻ và cụm dịch địa phương vẫn chưa biến mất", thông cáo do Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố tuần này có đoạn viết.
Một số công ty nối lại vận hành quá sớm, gây khó khăn cho nỗ lực hồi phục nền kinh tế. Một nhà sản xuất titan hàng đầu Trung Quốc đã khởi động lại dây chuyền từ tháng 2, nhưng phải sớm ngừng hoạt động sau khi phát hiện công nhân nhiễm nCoV.
Giới phân tích cảnh báo áp lực khôi phục kinh tế cùng lo ngại về đợt dịch thứ hai có thể dẫn tới bức tranh sai lệch về tình hình thực tế của Trung Quốc. Một số công ty ở phía đông tỉnh Chiết Giang, nơi chính quyền thông báo phần lớn cơ sở công nghiệp đã trở lại vận hành, đang để máy móc chạy không và bật toàn bộ đèn trong nhà máy để tiêu thụ điện, tạo hình ảnh rằng họ đang làm việc.
Những doanh nghiệp này gặp nhiều khó khăn trong khởi động lại dây chuyền bởi thiếu thốn nhân lực, trong khi một số địa phương không sẵn sàng cho các công ty hoạt động trở lại vì lo ngại đại dịch tái bùng phát ở nơi tập trung đông người.
"Chính quyền địa phương và nhà máy biết họ sẽ bị phạt nặng nếu để dịch bệnh lây lan nên đã chọn phương án an toàn là trì hoãn hoạt động sản xuất thực sự. Các hình thức xử lý nghiêm khắc có tác dụng khi áp đặt lệnh tự cách ly, nhưng sẽ gây ra tình trạng ngại mạo hiểm sau khi hết dịch", Victor Shih, phó giáo sư tại Đại học California của Mỹ, nhận định.
Dữ liệu sai lệch về tiêu thụ năng lượng cũng bị nhiều chuyên gia Trung Quốc chỉ trích. Cao Heping, giáo sư kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, cảnh báo điều này đe dọa nghiêm trọng đến kế hoạch hồi phục kinh tế. "Nếu họ tiếp tục giả vờ làm việc và không nối lại hoạt động sản xuất thực sự, nền kinh tế quốc gia sẽ không thể đạt tốc độ phát triển nhanh trong năm nay", ông nói.
Hiệu quả từ nỗ lực hồi phục kinh tế Trung Quốc vẫn chưa rõ ràng, nhưng khả năng vượt qua đợt dịch đầu tiên mang lại hy vọng và mô hình học tập cho nhiều nước vẫn đang gặp khủng hoảng.
Quan chức nhiều quốc gia đang đau đầu suy tính thời gian duy trì phong tỏa để kiềm chế dịch bệnh mà không dẫn tới suy thoái kinh tế. Nhiều nước phương Tây cũng đang áp dụng các biện pháp của Trung Quốc như đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và chăm sóc y tế, cũng như cắt giảm thuế để kích thích đầu tư.
"Tôi nghĩ phần lớn các nước sẽ áp dụng những chính sách kích thích kinh tế", David Dollar, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings của Mỹ, cho hay, đồng thời cảnh báo mô hình Trung Quốc khó áp dụng triệt để ở phương Tây.
Trung Quốc sở hữu hàng loạt tập đoàn quốc doanh và có thể huy động công nhân để thực thi lệnh cách ly, trong khi mạng lưới cơ sở hạ tầng nhà nước lớn hơn rất nhiều so với các nước phát triển trên thế giới và có thể trở thành động lực thúc đẩy kinh tế quan trọng.
"Bắc Kinh đang mở lại nhiều dự án lớn dùng ngân sách nhà nước, trong khi kinh tế tư nhân chiếm vai trò quan trọng hơn ở phương Tây", Xiaobo Lu, giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Columbia, nhận xét.
"Thử thách ở phương Tây sẽ là khuyến khích người dân đến nhà hàng, rạp chiếu phim và các sự kiện thể thao để kích cầu tiêu dùng, thay vì đưa người lao động trở lại nhà máy. Thử thách này rất khác với Trung Quốc và phụ thuộc hoàn toàn vào người tiêu dùng", phó giáo sư Shih nêu quan điểm.