Trận đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới từ sau Thế chiến II

Với hơn 500 xe tăng tham chiến, trận đánh ở Chawinda giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1965 được coi là đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới kể từ sau Thế chiến II.

Trận đánh Chawinda có tới 500 xe tăng tham chiến

Kể từ khi tách ra khỏi Ấn Độ ngày 14/8/1947, Pakistan luôn trong tình trạng chiến tranh với Ấn Độ cả bí mật lẫn công khai. Trận chiến diễn ra từ tháng 8 đến ngày 23/9/1965 được coi là giai đoạn mang tính quyết định trong mọi cuộc chiến giữa hai nước.

Trong trận chiến này, hai bên đều sử dụng xe thiết giáp và vũ khí cũ do Mỹ, Nga và Anh cung cấp. Trận đánh Chawinda đến nay vẫn được coi là đại chiến xe tăng lớn nhất thế giới kể từ sau trận Kursk trong Thế chiến II, theo War History.

Ấn Độ muốn sử dụng thành phố Sialkot ở Pakistan để làm bàn đạp luồn sâu trong lãnh thổ đối phương. Thị trấn Chawinda, trung tâm của cuộc chiến, chỉ cách thành phố chính này vài km. Để tiến hành kế hoạch, tướng Dunn, tư lệnh Quân đoàn I của Ấn Độ nhận nhiệm vụ chỉ huy một sư đoàn thiết giáp, một sư đoàn sơn cước và hai sư đoàn khác.

Ấn Độ triển khai khoảng 80.000 đến 150.000 bộ binh cùng 230 xe tăng Centurion và Sherman.

Phía Pakistan dự định đối phó bằng một sư đoàn thiết giáp, một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn pháo binh với quân số 30.000 đến 50.000 và 132 xe tăng.

Khi chiến tranh xảy ra, Pakistan được tăng cường thêm một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn thiết giáp với 150 xe tăng, lực lượng rút lui sau khi tham chiến trong trận đấu tăng ở Phillora gần đó không bị tổn thất nhiều. Cả hai loại xe tăng Sherman và Patton đều tham gia trận đánh này.

Ngày 7/9, Sư đoàn thiết giáp số 1, Sư đoàn bộ binh số 14 và Sư đoàn sơn cước số 6 của Ấn Độ lên kế hoạch cắt đứt tuyến hậu cần của Pakistan, khiến giao tranh chớp nhoáng nổ ra với kết quả Pakistan thiệt hại 10 xe tăng. Trước việc Ấn Độ giành thế áp đảo trên tuyến đường sắt Sialkot, Pakistan điều hai trung đoàn thuộc Sư đoàn thiết giáp số 6 đến chi viện cho Sư đoàn bộ binh số 7 khi đó đang đẩy lùi cuộc tấn công của Ấn Độ.

Ngoài ra, đơn vị diệt tăng độc lập gồm 24 xe M47 và M48 Patton, cùng một số xe Sherman cũng được Pakistan điều đến tham chiến. Phán đoán được động thái di chuyển của Sư đoàn thiết giáp số 6 Pakistan, quân đội Ấn Độ lên kế hoạch chia cắt lực lượng ở Sialkot với sư đoàn này.

Phân bố lực lượng Pakistan (đỏ) và Ấn Độ (xanh) trước trận đánh. Ảnh:18News.

Lợi thế của Ấn Độ khi đó là Pakistan chỉ có một trung đoàn, dù hai sư đoàn khác được lệnh đến tăng cường. Lữ đoàn thiết giáp số 1 Ấn Độ chia nhỏ lực lượng cùng với Lữ đoàn bộ binh số 43 tiến về phía Pakistan.

Mũi chủ lực của Lữ đoàn thiết giáp số 1 được triển khai đến gần thị trấn Phillora. Trận chiến xe tăng tại đây kết thúc với phần thắng thuộc về Ấn Độ, do các trung đoàn Pakistan rút lui sau vài ngày giao tranh. Đó là quyết định sáng suốt, giúp họ giành lợi thế chiến lược do bảo toàn được lực lượng thiết giáp để chiếm ưu thế trong trận đại chiến ở Chawinda.

Ngày 10/9, Ấn Độ tiếp tục tấn công với nhiều quân đoàn tham gia để đẩy lùi tuyến phòng ngự của Pakistan ở Sialkot. Pakisan bị đẩy vào tình thế nguy hiểm. Mọi cuộc phản công của họ đều vấp phải sự kháng cự quyết liệt, quân số Ấn Độ đông hơn gấp 10 lần. Tuy nhiên, viện binh của Pakistan gồm một sư đoàn bộ binh và một sư đoàn tăng trên đường đến nơi và sẵn sàng tấn công Chawinda, mọi cuộc tấn công của Ấn Độ đều bị đẩy lùi.

Sáng ngày 14/9, Sư đoàn thiết giáp số 6 Pakistan dưới quyền chỉ huy của đại tá Wajahat giữ một cứ điểm quan trọng ở Chawinda. Ấn Độ muốn cắt đứt tuyến tiếp tế giữa quân Pakistan đồn trú tại đây và quân trung ương, nhằm bao vây cầm chân họ lâu nhất có thể.

Tới tận đêm muộn, Ấn Độ mới chiếm được vài ngôi làng gần đó, do 4 trung đoàn nước này không thể xuyên thủng đội hình của ba trung đoàn Pakistan. Mặt đất rung chuyển khi các xe tăng Patton của Pakistan  giao tranh với tăng Centurion và Sherman Ấn Độ.

Đội kỵ binh số 25 với trang bị mới tinh và đội ngũ sĩ quan nắm chắc nghệ thuật tác chiến hiện đại đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến, nhất là khi không quân và pháo binh bị hạn chế do lực lượng hai bên hòa lẫn vào nhau.

Hai bên đối đầu toàn diện cho đến khi giãn ra khoảng cách đủ để pháo binh Pakistan sử dụng loại pháo mới mua của Mỹ để tấn công lực lượng Ấn Độ rút lui. Vào cuối trận đánh, chiến trường trông như một nghĩa địa xe tăng.

Một xe tăng Ấn Độ bị bắn hạtrong trận đánh. Ảnh:Wikipedia.

Nhưng một lần nữa, quân Ấn Độ tái tập hợp đội hình để thọc sườn phía Pakistan hôm 16/9. Vào thời điểm đó, pháo binh Pakistan triển khai dễ dàng hơn và chặn đà tiến công của Ấn Độ. Bộ binh Ấn Độ bị dàn mỏng dọc chiến tuyến, mỗi lần họ cố gắng hội quân đều bị Pakistan tấn công với 90 khẩu pháo, trong đó gồm 12 khẩu lựu pháo cỡ nòng 203 mm.

Sau trận đánh, Pakistan tuyên bố mất 44 xe tăng các loại và bắn hạ 120 xe tăng Ấn Độ. Trong khi đó, phía Ấn Độ cho biết chỉ mất 29 xe tăng.

Ngày 21/9, Ấn Độ rút lui về các cứ điểm phòng thủ ban đầu, chấm dứt mọi hoạt động tham chiến. Chỉ huy phía Pakistan bác bỏ đề xuất phản công của sĩ quan trên thực địa, bởi họ không có kế hoạch dự trù cho việc này. Ngày 22/9, nỗ lực ngoại giao chấm dứt chiến tranh được tiến hành khi Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu hai nước ngừng bắn vô điều kiện.

Cả hai nước đồng ý chính thức chấm dứt tình trạng thù địch vào ngày 23/9. Các vùng lãnh thổ giành được của nhau được trao trả sau khi Tuyên bố Tashkent được ký kết dưới sự bảo trợ của Liên Xô. 

Chuyên đề