Ảnh minh họa: Internet |
Luật Đất đai chưa có quy định về công tác điều tra xã hội học
Điểm cần bổ sung trước tiên, theo HoREA, đó là sự cần thiết tiến hành công tác điều tra xã hội học trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
HoREA cho rằng, tinh thần của Luật Đất đai là cơ quan có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến người dân trong khu vực có đất thu hồi, để người dân hiểu rõ chủ trương và tham gia trao đổi dân chủ để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, cũng như các nghĩa vụ của mình khi Nhà nước thu hồi đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai chưa có quy định về "công tác điều tra xã hội học" trong quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Thực hiện tốt "công tác điều tra xã hội học" sẽ giúp cho cơ quan Nhà nước nắm vững nhu cầu, hoàn cảnh, sinh kế, kể cả tâm tư, nguyện vọng của người có đất bị thu hồi, giúp cho việc thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được sát thực tế và phù hợp với nhu cầu của người dân, tránh được tình trạng dư thừa nhà tái định cư như trong những năm gần đây.
Điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện, đó là người có đất thu hồi thường có thể thay đổi ý kiến theo thời gian.
Do vậy, HoREA kiến nghị bổ sung vào Dự thảo nội dung quy định công tác điều tra xã hội học trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, ngay từ thời điểm đầu tiên thông báo chủ trương thu hồi đất và xuyên suốt quá trình thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, để thống nhất với quy định tại Điều 38 Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 09/08/2018 của UBND TP.HCM.
Hỗ trợ tái định cư và chỗ ở tạm khi chờ tái định cư tại chỗ
Vấn đề quan trọng tiếp theo mà HoREA cho rằng không thể thiếu, đó chính là việc hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ chỗ ở tạm (tạm cư) trong thời gian chờ tái định cư tại chỗ.
Đối với hỗ trợ tái định cư người có đất ở bị thu hồi, Quyết định số 28/2018/QĐ-UBND ngày 9/8/2018 của UBND TP.HCM đã quy định "Suất tái định cư tối thiểu" là 30 m2 căn hộ chung cư, hoặc 45 m2 nền nhà để hỗ trợ cho đối tượng tái định cư.
Nếu có chênh lệch giữa giá trị căn hộ, nền đất hộ dân được bố trí với số tiền hộ dân nộp lần đầu thì sẽ được trả góp với thời hạn tối đa là 15 năm và được tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn.
Trường hợp có khó khăn khi đến nơi ở mới chưa có việc làm ổn định thì được chậm trả tiền mua nhà hoặc hoãn trả tiền thuê nhà trong thời hạn không quá 5 năm.
Khoản (1.a) Điều 79 Luật Đất đai quy định, khi Nhà nước thu hồi đất ở, thì người sử dụng đất được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở, hoặc được bồi thường bằng tiền, và xuất phát từ nhu cầu thực tế của người dân.
Do đó, HoREA đề nghị bổ sung vào Dự thảo quy định về 3 phương thức tái định cư để người dân lựa chọn.
Một là, tái định cư tại chỗ là tốt nhất vì gắn liền với sinh kế và các mối quan hệ xã hội của người dân.
Hai là, tái định cư nơi khác, trước hết cần ưu tiên tái định cư trong phạm vi cùng quận, huyện. Trường hợp bất khả kháng thì bố trí tái định cư ở quận, huyện liền kề.
Ba là, hoặc người dân đề nghị được nhận tiền và tự lo tái định cư.
Đồng thời, HoREA đề nghị quy hoạch khu tái định cư phải có đầy đủ tiện ích, dịch vụ, kết nối giao thông thuận tiện, tạo được một số việc làm tại chỗ cho cư dân.
Riêng về chính sách hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất và nhu cầu bố trí chỗ ở tạm (tạm cư) trong khi chờ tái định cư tại chỗ, Điều 85 Luật Đất đai quy định UBND cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lập và thực hiện dự án tái định cư trước khi thu hồi đất. Việc thu hồi đất ở chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành xây dựng nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng của khu tái định cư.
Khoản 2 Điều 86 Luật Đất đai quy định người có đất thu hồi được bố trí tái định cư tại chỗ nếu tại khu vực thu hồi đất có dự án tái định cư hoặc có điều kiện bố trí tái định cư.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, các quy định trên đây của Luật Đất đai đặt trên cơ sở yêu cầu phải xây dựng trước khu tái định cư, để khắc phục tình trạng trước đây, người dân bị thu hồi đất ở, nhà ở nhưng không được kịp thời bố trí tái định cư; hoặc bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư) kéo dài.
Tuy nhiên, HoREA nhận thấy các quy định này chưa đáp ứng được các trường hợp người dân lựa chọn tái định cư tại chỗ khi thực hiện các dự án xây dựng lại chung cư cũ hư hỏng; hoặc chỉnh trang khu vực nhà trên và ven kênh rạch; hoặc chỉnh trang khu phố lụp xụp.
Các trường hợp yêu cầu tái định cư tại chỗ này đòi hỏi phải bố trí tạm cư trong thời gian chờ xây dựng mới nhà tái định cư. Nhưng, Luật Đất đai 2013 không có quy định về "tạm cư" mà chỉ có quy định các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Khoản 2 Điều 83), trong đó có "hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ khác".
Điều này có thể hiểu "hỗ trợ khác" trong đó có hỗ trợ về chỗ ở tạm thời (tạm cư). Do vậy, HoREA đề nghị Chính phủ và Bộ Tài nguyên Môi trường xem xét bổ sung nội dung "hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư)" vào Khoản 2 Điều 83 Luật Đất đai để các địa phương dễ thực hiện và người dân yên tâm. Đồng thời, đề nghị UBND TP.HCM xem xét bổ sung nội dung "hỗ trợ bố trí chỗ ở tạm thời (tạm cư)" vào Điều 15 của Dự thảo.