TP. Hồ Chí Minh: Quy định mới về diện tích tối thiểu tách thửa. Ảnh minh họa: TTXVN |
Theo đó, diện tích tối thiểu của thửa đất ở hình thành và thửa đất ở còn lại sau khi tách thửa (sau khi trừ lộ giới) như sau: Khu vực 1 (quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Gò Vấp, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú) tối thiểu 36m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 3m.
Khu vực 2 (Quận 2, 7, 9, 12, Bình Tân, Thủ Đức và thị trấn các huyện) tối thiểu 50m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 4m. Khu vực 3 (huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè, Càn Giờ, ngoại trừ thị trấn) tổi thiểu 80m2 và chiều rộng mặt tiền thửa đất không nhỏ hơn 5m.
Trường hợp việc tách thửa đất nông nghiệp, quyết định nêu rõ trường hợp thửa đất thuộc khu vực quy hoạch, để sản xuất nông nghiệp được phép tách thửa, lúc này thửa đất mới hình thành và thửa đất còn lại sau khi tách có diện tích tối thiểu 500m2 đối với đất trồng cây hằng năm, đất nông nghiệp và tối thiểu 1.000m2 đối với đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối.
Đối với khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, có diện tích đất thuộc hành lang công trình công cộng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dựng đất nông nghiệp, Nhà nước chưa thu hồi đất thì phần diện tích đất nông nghiệp này được tách cùng với đất ở và không bị điều chỉnh về diện tích tối thiểu tách thửa đất nông nghiệp.
Trường hợp tách thửa đất ở có hình thành đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, UBND thành phố giao UBND các quận huyện rà soát điều kiện về diện tích đất, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện, đảm bảo phù hợp với quy hoạch, kết nối hạ tầng kỹ thuật chung hiện hữu của khu vực.
Với trường hợp tách thửa của hộ gia đình, cá nhân có đất phi nông nghiệp, quyết định nêu rõ, UBND quận huyện căn cứ quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000 hoặc quy hoạch phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và nhu cầu sử dụng đất thể hiện trong đơn, để xem xét giải quyết.
Quyết định số 60 nêu rõ, việc tách thửa đất ở phải căn cứ vào quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000, quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước phê duyệt.
Các quy hoạch được phê duyệt này xác định thửa đất ở thuộc quy hoạch đất dân cư hiện hữu (dân cư hiện trạng) hoặc dân cư hiện hữu chỉnh trang đô thị được tách thửa.
Ngoài ra, quyết định nói trên cũng nghiêm cấm việc tách thửa đất thuộc khu vực không phù hợp quy hoạch để sản xuất nông nghiệp và thuộc khu vực phải thu hồi theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt và công bố; khu vực bảo tồn; biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước, biệt thự thuộc nhóm 1, nhóm 2; các khu vực hiện đang là biệt thự được tiếp tục quản lý theo quy hoạch; nhà, đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất.
Trước đó, trong quá trình thực hiện Quyết định 33 quy định diện tích tách thửa đã xuất hiện tình trạng phân lô đất nền trái phép, tràn lan tại các cùng ven TP. Hồ Chí Minh, phá nát quy hoạch, hình thành nên các khu dân cư nhếch nhác, không đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, gây nguy cơ mất ổn định cho thị trường bất động sản Tp. Hồ Chí Minh.
Đặc biệt có sự buông lỏng quản lý, thậm chí cố ý làm trái của cán bộ một số quận huyện khiến nhiều khu đất nông nghiệp bị “xẻ thịt” thành các khu dân cư không đúng quy hoạch, không đảm bảo tính tính pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Liên quan đến vấn đề đất đai, theo UBND TP. Hồ Chí Minh, trước khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực cho đến nay, trên địa bàn thành phố còn 109.251 trường hợp cá nhân tồn đọng, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong đó có tới 88.665 trường hợp không đủ điều kiện cấp giấy do chuyển nhượng bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004, lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, sử dụng đất sau thời điểm công bố quy hoạch nhưng nay không phù hợp quy hoạch, vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng chưa được xử lý…/.