Tổ Covid cộng đồng – Huy động sức mạnh toàn dân để phòng chống Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT)-  Dịch Covid-19 đang lây lan nhanh và mạnh trên diện rộng, khắp cả nước. Để phòng chống dịch trong điều kiện cấp bách này, việc học hỏi và vận dụng linh hoạt các mô hình phòng chống dịch thành công là vô cùng cần thiết, nhất là bài học về huy động sức mạnh toàn dân. Trong đó, cần tiếp tục nhân rộng Tổ Covid cộng đồng, mô hình đã triển ­­khai hiệu quả và góp phần dập dịch tại một số địa phương trong thời gian qua như Bắc Giang, Bắc Ninh...

Đòi hỏi phải nhanh chóng kiểm soát dịch, tránh lây lan

Đợt dịch Covid-19 xâm nhập vào tỉnh Bắc Giang lần thứ 4 là đợt dịch với số người mắc lớn nhất, chưa từng có trước đó. Tốc độ lây nhiễm nhanh trong một khoảng thời gian rất ngắn. Tính từ ngày 7/5 đến ngày 11/7/2021, tổng số ca F0 trên toàn Tỉnh là 5.766 trường hợp.

Khi đó, để làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, theo PGS.TS Trần Như Dương – Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, việc quan trọng bậc nhất là phải nhanh chóng khoanh vùng, cách ly những khu vực nguy cơ cao, tổ chức giám sát, phát hiện và lấy mẫu xét nghiệm. Để làm được điều này, chỉ dựa vào một mình lực lượng y tế là không đủ, mà cần phải huy động, tập hợp và vận dụng sức mạnh của toàn dân.

Trước tình hình cấp bách của việc dập dịch, Tỉnh ủy Bắc Giang đã xác định: “Các xã, phường phải là pháo đài, mỗi người dân là 1 chiến sĩ trong phòng, chống dịch và Tổ Covid cộng đồng là vũ khí chiến lược, hạt nhân quan trọng để huy động sức mạnh toàn dân, quyết định chiến thắng và bảo vệ vững chắc thành quả phòng, chống dịch Covid -19, nhất là trong điều kiện tiêm chủng vắc xin chưa đạt được miễn dịch cộng đồng”.

Sáng kiến thành lập mô hình Tổ Covid cộng đồng được hình thành, bắt đầu triển khai tại ổ dịch Sơn Lôi. Ảnh: Nhã Chi

Sáng kiến thành lập mô hình Tổ Covid cộng đồng được hình thành, bắt đầu triển khai tại ổ dịch Sơn Lôi. Ảnh: Nhã Chi

Thành lập 10.963 Tổ COVID cộng đồng

Trong lúc khó khăn, “nước sôi lửa bỏng” đó, tại Bắc Giang, nhiều sáng kiến đã được đưa ra và thực hiện hiệu quả. Trong đó, sáng kiến thành lập mô hình Tổ Covid cộng đồng được hình thành, bắt đầu triển khai tại ổ dịch Sơn Lôi, sau đó được nhân rộng để triển khai ở nhiều địa bàn khác. Và chỉ trong một thời gian ngắn, tỉnh Bắc Giang đã thành lập 10.963 Tổ Covid cộng đồng, Tổ Covid nhà trọ công nhân và Tổ Covid chung cư với gần 40.000 thành viên. Chỉ tính riêng huyện Lục Nam là 1.400 tổ với tổng số nhân lực lên tới gần 4.000 người.

Về mô hình tổ chức, Tổ Covid cộng đồng do UBND cấp xã ban hành quyết định thành lập, với số lượng từ 03 - 05 người/tổ, thành phần là cán bộ, thôn, xóm, tổ dân phố, các đoàn thể, đặc biệt là có sự tham gia của một số người dân có sức khỏe, nhiệt tình, tâm huyết tại khu dân cư. Điều hành tổ là 01 đồng chí Tổ trưởng. Mỗi tổ phụ trách từ 30 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể.

Các thành viên Tổ Covid cộng đồng được tập huấn, hướng dẫn chi tiết về nhiệm vụ, các quy định, quy trình, cách thức tiến hành nhiệm vụ đảm bảo an toàn theo đúng quy định về công tác phòng, chống dịch. Nhiệm vụ của Tổ Covid cộng đồng được tỉnh Bắc Giang chỉ đạo biên tập với nội dung đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện. Để thông tin được thông suốt, kịp thời, thống nhất, tỉnh đã chỉ đạo thành lập nhóm Zalo từ tỉnh đến khu dân cư.

Nhiệm vụ của các Tổ Covid cộng đồng là “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, giúp người dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm quy định về giãn cách xã hội là trách nhiệm vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và xã hội nên từng người dân phải tự giác thực hiện.

Các tổ Covid cộng đồng này thường xuyên nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo thông điệp 5K. Yêu cầu và hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, tự đo thân nhiệt hằng ngày cho các thành viên trong hộ gia đình. Cung cấp số điện thoại và yêu cầu người dân chủ động khai báo y tế ngay khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19. Tuyên truyền, vận động các gia đình và công nhân ký cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch.

Đồng thời, các tổ thường xuyên giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại, Zalo cho chính quyền địa phương và y tế xã để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời khi phát hiện được những trường hợp nghi mắc Covid-19 tại các hộ gia đình có các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, cảm cúm, ốm mệt, viêm đường hô hấp,… ; trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; người đi từ vùng dịch về, nhập cảnh trái phép.

Bên cạnh đó, các tổ Covid cộng đồng còn trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp F1, F2 khi có ca bệnh trên địa bàn phụ trách; phối hợp và hỗ trợ công tác xét nghiệm đảm bảo phòng dịch và chính xác các đối tượng phải lấy mẫu. Đồng thời nắm bắt kịp thời tình hình tư tưởng, đời sống của nhân dân, công nhân và địa phương; vận động, hỗ trợ đời sống nhân dân; hướng dẫn các hộ gia đình và giám sát việc thu hoạch sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn phòng dịch.

Đặc biệt, đợt dịch bùng phát tại Bắc Giang rơi đúng vào thời điểm bà con nông dân thu hoạch vải thiều, lúa và nhiều nông sản khác. Tổ Covid cộng đồng đã góp phần quan trọng, là lực lượng nòng cốt thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch, vừa sản xuất. Tổ chủ động tổ chức việc thu hoạch, bán sản phẩm giúp các gia đình không có lao động hoặc bị cách ly tại nhà, cách ly tập trung; sắp xếp lịch cho các gia đình tổ chức thu hoạch nông sản đảm bảo an toàn phòng dịch; phân chia hàng hoá, thực phẩm được hỗ trợ, chi viện tới các hộ gia đình đảm bảo công bằng...

Tất cả kết quả thực hiện các nhiệm vụ trên đều được ghi chép đầy đủ hằng ngày vào sổ nhật ký (theo mẫu thống nhất trong toàn Tỉnh) và gửi báo cáo qua Zalo cho xã, xã báo cáo lên huyện, huyện báo cáo lên tỉnh.

Tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ Covid-19 cộng đồng

Ban Dân vận Trung ương đánh giá, Tổ Covid cộng đồng là một mô hình trực tiếp gần dân, sát dân; là cầu nối trực tiếp giữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước với nhân dân; là mô hình thể hiện sâu sắc chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và là minh chứng cho thấy chiến thắng dịch là chiến thắng của nhân dân.

Cho đến nay, bài học này vẫn còn giữ nguyên tính thời sự đối với nhiều địa phương, nhất là các địa phương đang tận dụng thời gian giãn cách xã hội (đến 15/9/2021) để thần tốc xét nghiệm diện rộng cho toàn bộ người dân tại các khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện nguồn lây, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời và khẩn trương tổ chức tiêm vắc xin ngay khi được phân bổ..., tránh tình trạng phong tỏa kéo dài trên diện rộng.

Để đạt được những mục tiêu này, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phạm Minh Chính - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trong Kết luận cuộc họp trực tuyến ngày 5/9 với các địa phương về công tác phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, các địa phương cần tiếp tục phát huy vai trò của các Tổ Covid-19 cộng đồng, Tổ đáp ứng nhanh cộng đồng, Tổ quản lý, chăm sóc F0 tại nhà.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề