Đã có thêm hơn 61.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2017. Ảnh: Lê Tiên |
Để đạt mục tiêu này, theo các chuyên gia, ngoài các giải pháp thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế có thể kỳ vọng vào đội ngũ doanh nghiệp thành lập mới năm 2016 đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và đang có những đóng góp tích cực cho tăng trưởng.
Những tín hiệu tích cực
Tại Họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra ngày 29/6, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2017 ước tính tăng 5,73% so với cùng kỳ năm trước, trong đó quý I tăng 5,15%; quý II đã khởi sắc hơn quý I với tốc độ tăng 6,17%. Trong mức tăng 5,73% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,65%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,81%, đóng góp 2,0 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây, đóng góp 2,59 điểm phần trăm.
Về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, ông Lâm đánh giá: “Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, tăng trưởng quý II/2017 cao hơn quý I. Lạm phát được kiểm soát, mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định; môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện; xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Đặc biệt, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm so với cùng kỳ năm trước; an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả nhất định”.
Tuy nhiên, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cũng nhận xét, nền kinh tế nước ta vẫn còn hạn chế khi tốc độ tăng trưởng mới đạt xấp xỉ dự kiến; tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn chậm; sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn từ các năm trước; giá nông sản, thực phẩm giảm và đời sống một bộ phân dân cư còn gặp khó khăn.
Kỳ vọng vào doanh nghiệp thành lập mới
Quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra, ngày 2/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017. Tại chỉ thị này, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đối với từng bộ, ngành, tập đoàn kinh tế nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% đã được Thủ tướng Chính phủ nêu rõ. Sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ và các bộ, ngành theo ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia thuộc Tổng cục Thống kê, đã tạo hiệu ứng tích cực để kinh tế tăng trưởng bứt phá trong tháng 6/2017, đóng góp vào tăng trưởng chung của quý II/2017.
Dự báo về tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia nhận định, kinh tế vẫn còn dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng. Cụ thể, năm 2016, cả nước có 110.100 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới; theo đà đó, trong 6 tháng đầu năm 2017, cả nước tiếp tục có thêm 61.276 DN đăng ký thành lập, song song đó là 15.379 DN quay trở lại hoạt động. Điều đáng ghi nhận, theo ông Nguyễn Bích Lâm, là trong số 110.100 DN thành lập năm 2016, có đến hơn 87% số lượng DN đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh và 60% DN trong số đó đã có doanh thu. Điều này cho thấy những chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, phát triển DN đang phát huy tác dụng và số lượng DN thành lập mới đã bước đầu có những đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Như vậy, tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm có thể kỳ vọng nhiều hơn ở đội ngũ DN thành lập mới năm 2016 với số DN tạo được doanh thu lớn hơn nữa.
Tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm còn có thể kỳ vọng vào nhiều cơ hội phát triển của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; một số dự án thép sẽ đi vào hoạt động; lĩnh vực điện tử, điện lạnh dự báo có những bứt phá khi Samsung đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh mẽ xuất khẩu…
Đưa ra ý kiến về việc làm thế nào để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cần đổi mới tư duy về xác định chỉ tiêu tăng trưởng. Theo đó, nên đưa ra các kịch bản tăng trưởng: thấp, cao và tối ưu để từ đó Chính phủ và các bộ, ngành phấn đấu đạt được kịch bản tốt nhất nhưng không phải bằng mọi giá. Bởi, tăng trưởng bền vững của nền kinh tế phụ thuộc nhân tố mang tính dài hạn, chứ không phải phụ thuộc vào những kích thích mang tính ngắn hạn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn cũng đề xuất phải đặt ra các mục tiêu cụ thể có thể đo lường, đánh giá được hiệu quả của cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng thời nên coi các mục tiêu đó là những chỉ tiêu pháp lệnh cần phải đạt được bằng mọi biện pháp có thể và gắn với trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan.