Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung (ảnh Lê Tiên) |
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, trong 8 tháng qua, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới biến động khó lường, còn nhiều khó khăn thách thức nhưng tình hình kinh tế - xã hội cơ bản diễn biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các ngành, lĩnh vực đều có bước tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững. Có được kết quả như vậy là nhờ sự nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống, sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành kịp thời, hiệu quả của Chính phủ và sự ủng hộ, đồng hành của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, trong đó, ghi nhận sự đóng góp quan trọng của ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê nói chung và Bộ KH&ĐT nói riêng.
Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược quan trọng của Đảng và Chính phủ, Bộ KH&ĐT đã thường xuyên nhận được sự quan tâm, chỉ đạo đặc biệt của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, luôn khẳng định được vai trò tiên phong trong cải cách và đổi mới, thể hiện rõ nét sự chuyển biến tích cực và tiến bộ mạnh mẽ trong từng đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức, từng lĩnh vực công tác, từng nhiệm vụ, từng kết quả đạt được trong 8 tháng qua và những năm gần đây.
Chuyển biến công tác xây dựng thể chế, pháp luật
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung, sự chuyển biến mạnh mẽ và rõ nét nhất của Bộ KH&ĐT trong cải cách và đổi mới đó chính là sự chuyển mình, thay đổi căn bản hình ảnh của cơ quan Bộ. Trong đó, Bộ đã coi công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật là một nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu, huy động và tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ tập thể, quyết tâm đổi mới, cải cách, dám nghĩ, dám làm, tham mưu hiệu quả cho Chính phủ xây dựng và trình Quốc hội nhiều bộ Luật quan trọng, như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Quy hoạch; Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trong công tác tham mưu xây dựng pháp luật, Bộ luôn thể hiện tư duy đổi mới mang tầm chiến lược dài hạn, tư tưởng chính sách thông thoáng nhưng quản lý toàn diện và hiệu quả, phân cấp mạnh mẽ, tập trung tháo gỡ các nút thắt nhằm khơi thông về mặt thể chế, thông qua đó thu hút hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế.
Về công tác kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bộ KH&ĐT đã hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, hằng tháng, hằng quý, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình trong nước và thế giới, kịp thời báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, Chỉ thị số 09/CT-TTg, Chỉ thị số 16/CT-TTg; Chỉ thị số 20/CT-TTg…
Cùng với những đổi mới quan trọng trong công tác tham mưu xây dựng thể chế, pháp luật, đổi mới trong công tác kế hoạch hóa cũng là một nội dung quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước của Bộ KH&ĐT.
Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp
Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, hoàn thiện trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP. Đây là Nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa then chốt tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.Việc triển khai Nghị quyết trong thời gian qua đã tạo sự chuyển biến đáng kể trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Hệ thống văn bản pháp quy về đăng ký kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp tục được hoàn thiện. Những quy định mang tính cải cách, đề cao quyền tự do kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanhnghiệp đã khuyến khích tinh thần khởi sự kinh doanh, thể hiện qua số doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất so với cùng kỳ các năm, đạt hơn 90.000 doanh nghiệp.
Hiện nay, tất cả các thủ tục hành chính về đăng ký doanh nghiệp đều được tin học hoá, có thể thực hiện trực tuyến mức độ 3 và 4, đồng thời, thực hiện công khai hóa toàn bộ quy trình cũng như tình trạng hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên mạng. Hơn 70% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp trên cả nước đã được đăng ký qua mạng điện tử. Thời gian đăng ký doanh nghiệp hiện nay giảm xuống chỉ còn trung bình 2,18 ngày. Với những nỗ lực trên, Gia nhập thị trường 14 năm liền đứng đầu về mức độ hài lòng của doanh nghiệp
Thu hút đầu tư nước ngoài chọn lọc
Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sau hơn 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, góp phần đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trên cơ sở đánh giá kết quả của 30 năm, Bộ KH&ĐT đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện, báo cáo Chính phủ trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 50/NQ-TW về Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030”, trong đó, khẳng định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển lâu dài.
Song song với đó, Bộ đã triển khai tốt công tác xúc tiến đầu tư tại một số quốc gia, vùng lãnh thổ giàu tiềm năng, lợi thế và hỗ trợ các địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cả ở trong nước và nước ngoài, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá cao và tin tưởng, được các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ủng hộ tích cực.
Về hợp tác phát triển, quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi và nguồn phi chính phủ nước ngoài, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung cho biết, Bộ KH&ĐT đã chủ động tham mưu cho Lãnh đạo Chính phủ về các hoạt động cần phối hợp với các đối tác phát triển để triển khai trong bối cảnh phát triển mới khi Việt Nam đã tốt nghiệp nguồn vốn ODA; tiếp tục thúc đẩy quan hệ hợp tác phát triển với các đối tác song phương và đa phương để tranh thủ nguồn vốn ODA còn lại cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công
Thực trạng giải ngân vốn đầu tư công 8 tháng đầu năm đạt thấp so với yêu cầu đề ra. Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Bộ KH&ĐT đã chủ trì thành lập một số đoàn công tác do các đồng chí Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn trực tiếp làm việc tại các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm tại 3 miền Bắc, Trung, Nam nhằm giám sát, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp và nghiên cứu, đề xuất giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, thực hiện Công điện số 1042/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT sẽ phối hợp với các bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công năm 2019.
Bộ cũng thực hiện tốt công tác thống kê kịp thời, chất lượng; xây dựng Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII; triển khai các nội dung liên quan đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Bên cạnh những nhiệm vụ chủ yếu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có nhiều nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt các nhiệm vụ khác thuộc chức năng của Bộ cũng như những nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.