Thu hẹp chỉ định thầu để nâng cao cạnh tranh

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù tỷ trọng của số gói thầu áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu kém cạnh tranh như chỉ định thầu (CĐT), đấu thầu hạn chế, mua sắm trực tiếp… ngày càng giảm, nhưng vẫn còn tình trạng nhiều gói thầu bị “xé nhỏ” hay chia thành nhiều giai đoạn thực hiện để CĐT. Vậy, giải pháp nào để khắc phục tình trạng này, tạo lập môi trường đấu thầu mua sắm công cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả hơn?
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015 - 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu, trong đó 69% số gói thầu được chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015 - 2020, cả nước có 1.406.754 gói thầu thực hiện theo Luật Đấu thầu, trong đó 69% số gói thầu được chỉ định thầu. Ảnh: Tiên Giang

Qua phản ánh về công tác lựa chọn nhà thầu (LCNT) trong thời gian qua cho thấy, nhiều địa phương có hiện tượng xé nhỏ gói thầu, chia thành nhiều giai đoạn thực hiện để lạm dụng CĐT. Ví dụ như các gói thầu hạ tầng kỹ thuật, mặc dù không nằm trong hạn mức CĐT, nhưng lại được chủ đầu tư xếp vào “gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng” để áp dụng hình thức CĐT.

Theo Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, tình trạng lách luật để CĐT vẫn khá nhiều, mặc dù Luật Đấu thầu đã quy định cụ thể về điều kiện và hạn mức CĐT (Điều 22 và Điều 54). Tình trạng chia công trình xây dựng thành nhiều gói thầu đơn lẻ còn tương đối phổ biến là do chưa có quy định, biện pháp hạn chế. Việc quy định CĐT theo hạn mức giá trị gói thầu được áp dụng phương pháp giá thấp nhất để LCNT đối với các gói thầu quy mô nhỏ, mà không có ràng buộc với tính chất phổ biến và đơn giản của gói thầu, đã dẫn tới tình trạng nhiều dự án, dự toán mua sắm vi phạm điều cấm nhưng không xác định được rõ ràng. Luật Đấu thầu cấm phân chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định nhằm mục đích CĐT hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu (vì không bảo đảm công bằng, minh bạch), nhưng lại thiếu các quy định ràng buộc về việc phân chia gói thầu khi xây dựng kế hoạch LCNT, chưa gắn kết kế hoạch, tiến độ vốn được cấp với việc xây dựng kế hoạch LCNT.

Theo báo cáo tổng kết công tác đấu thầu giai đoạn 2015 - 2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước có tổng số 1.406.754 gói thầu được thực hiện theo Luật Đấu thầu, với tổng giá gói thầu là 3.954.035 tỷ đồng và tổng giá trúng thầu là 3.715.484 tỷ đồng, chênh lệch giữa tổng giá gói thầu và tổng giá trúng thầu (giá trị tiết kiệm) là 238.549 tỷ đồng, tương ứng 6,033%.

Nếu như hình thức đấu thầu rộng rãi (ĐTRR), chào hàng cạnh tranh (CHCT) đạt tỷ lệ tiết kiệm từ 4,47 - 6,62%, thì CĐT chỉ đạt 3,08%, trong khi số lượng gói thầu CĐT chiếm đến 69% tổng số gói thầu (970.136 gói thầu/1.406.754 gói thầu).

Như vậy, CĐT là hình thức được áp dụng với số lượng gói thầu nhiều nhất và có tỷ lệ tiết kiệm thấp nhất.

Mặc dù vậy, một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đề nghị nâng hạn mức CĐT hay mở rộng phạm vi CĐT.

Trong khi đó, các tổ chức quốc tế và nhà tài trợ cho rằng, đây là hình thức kém cạnh tranh nhất trong các hình thức LCNT, không nên khuyến khích áp dụng. Việc lạm dụng hình thức CĐT sẽ làm giảm đi tính cạnh tranh trong đấu thầu, kéo dài tình trạng xin - cho, làm méo mó thị trường và góp phần tạo điều kiện cho tham nhũng, lãng phí.

Từ thực tiễn công tác đấu thầu và ý kiến phản ánh của các bên trong thời gian qua cho thấy, đã đến lúc cần phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu 2013 cho phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế đã tồn tại trong nhiều năm qua.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Dự thảo Tờ trình Chính phủ về đề nghị xây dựng Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, bên cạnh việc nghiên cứu, bổ sung các biện pháp để tăng cường áp dụng các hình thức LCNT có tính cạnh tranh cao như CHCT, ĐTRR, thì cần cụ thể hóa những quy định mang tính nguyên tắc cứng trong Luật nhằm hạn chế và thu hẹp dần việc áp dụng hình thức LCNT kém cạnh tranh như CĐT.

Trong đó, cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm giải trình, thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán trong đấu thầu. Các quy định phải cụ thể và chặt chẽ hơn, cùng với những chế tài xử lý nghiêm đối với vi phạm của các bên liên quan.

Hiệp hội Nhà thầu xây dựng kiến nghị: “Cần nghiên cứu, bổ sung thêm các chế tài, điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn đối với các gói thầu CĐT, trong đó phải giảm hạn mức CĐT xuống. Có thể quy định ràng buộc kế hoạch, tiến độ cấp vốn trong việc xây dựng giá trị, tiến độ thực hiện các gói thầu trong kế hoạch LCNT; nghiêm cấm chia nhỏ công trình xây dựng (trừ các công trình dạng tuyến, quy mô lớn) thành các gói thầu xây lắp quy mô nhỏ; bỏ quy định CĐT theo hạn mức giá trị mà chuyển sang hình thức khác phù hợp để tạo sự cạnh tranh…”.

Chuyên đề