Lô hàng điện tử đã qua sử dụng "đội lốt" rổ nhựa có xuất xứ từ Nhật Bản bị phát hiện tại cảng Cát Lái vào ngày 8/6 vừa qua. Ảnh: Báo Tin Tức |
Do biết rõ đây là mặt hàng cấm nhập khẩu và lợi dụng chính sách phân luồng kiểm tra của hải quan, những doanh nghiệp nhập khẩu đều khai báo là mặt hàng “rổ nhựa” có xuất xứ từ Nhật Bản đưa về Việt Nam.
Tuy nhiên, nghi ngờ khai báo không đúng chủng loại hàng hoá nên lực lượng chức năng đã chuyển sang giám sát trọng điểm và soi chiếu.
Sau đó bằng hình ảnh phân tích, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các đơn vị liên quan đã tiến hành khám xét. Cụ thể vào ngày 6/6, lực lượng chức năng đã phát hiện một container chứa hàng trăm thiết bị điện tử, điện lạnh như thiết bị âm thanh, máy giặt, tủ lạnh, máy rửa sấy chén, máy điều hòa, máy cắt cỏ, bếp từ… đã qua sử dụng.
Đến ngày 8/6, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tiếp tục phát hiện thêm một container hàng điện tử, điện lạnh nhập lậu cũng được khai báo là mặt hàng “rổ nhựa” tại cảng Cát Lái.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Sài Gòn khu vực 1, thời gian qua đơn vị này đã liên tiếp phát hiện nhiều thủ đoạn buôn lậu với hình thức tương tự, chủ yếu là mặt hàng điện lạnh, điện tử, xe máy đã qua sử dụng có xuất xứ từ Nhật Bản. Việc khai báo mặt hàng “rổ nhựa” là nhằm để được “phân luồng xanh” – miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, thực tế chi tiết hàng hoá.
Qua tìm hiểu, không khó để tìm mua những thiết bị điện tử đã qua sử dụng ở nhiều địa điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đơn cử, tại chợ Nhật Tảo (quận 10), những thiết bị điện tử loa, amply… hàng “xịn” có nhãn hiệu Bose, Denon, JBL…đã qua sử dụng vẫn được bày bán công khai.
Thậm chí, ngay tại khu chợ điện tử nổi tiếng này, nhiều hộ buôn bán còn kinh doanh thêm các sản phẩm điện tử gia dụng như nồi cơm điện, bếp từ… đã qua sử dụng.
Điều đáng nói, giá những thiết bị điện tử như amply, loa mang thương hiệu nổi tiếng trên có giá rất đắt so với những sản phẩm cùng loại được sản xuất trong nước. Như một bộ loa Bose qua sử dụng có giá từ 5 - 10 triệu đồng tuỳ kiểu dáng, kích cỡ. Tất nhiên, khi hỏi đến xuất xứ của sản phẩm, các hộ kinh doanh đều cho rằng được thu mua lại từ những nhà hàng karaoke, thương lái…
Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử phạt nhiều cá nhân, đơn vị kinh doanh những mặt hàng điện tử qua sử dụng. Tuy nhiên, hiện nay căn cứ theo Nghị định 185/NĐ – CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì mức xử phạt các trường hợp mua bán hàng điện tử đã qua sử dụng nhập lậu chưa đủ sức răn đe.
Bởi, theo Nghị định 185, mức phạt tiền cao nhất đối với hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu là từ 40 – 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa nhập lậu có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên.
Còn theo Nghị định 124/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Nghị định số 185, quy định phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với trường hợp là người vi phạm trực tiếp nhập lậu hàng hóa có giá trị dưới 100 triệu đồng hoặc từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Bên cạnh đó, không chỉ có “chiêu thức” khai gian dối để được “phân luồng xanh” mà thời gian qua, những doanh nghiệp làm ăn phi pháp còn lợi dụng “tuyến đường hàng hoá quá cảnh” đi Campuchia để thực hiện hành vi buôn lậu vào Việt Nam.
Thế nhưng trong quá trình “quá cảnh”, cơ quan chức năng cũng đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển. Hay hàng điện tử qua sử dụng đã qua đến Campuchia, lại tìm cách quay ngược trở lại bằng các tuyến đường bộ giữa Campuchia và Tây Ninh, An Giang hoặc Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ.
Trên thực tế, việc tìm mua những thiết bị điện tử qua sử dụng không khó trên thị trường và bằng nhiều “chiêu thức” tinh vi kể trên đã phần nào cho thấy mức xử phạt chẳng thấm tháp vào đâu so với mức lợi nhuận mang lại. Chính vì vậy, thời gian tới việc xuất hiện thêm nhiều “chiêu thức” mới, tinh vi hơn để đối phó với cơ quan chức năng là điều hoàn toàn có thể xảy ra.