Khu công nghệ cao Hòa Lạc (ảnh minh họa) |
Theo đó, phạm vi Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc thuộc địa giới hành chính các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và TX Sơn Tây. Phía Bắc giáp trục Hồ Tây - Ba Vì (theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô), phía Đông giáp đê hữu sông Tích, phía Tây và Nam giáp ranh giới tỉnh Hòa Bình. Quy mô diện tích nghiên cứu quy hoạch đề xuất khoảng 17.274ha, quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 600.000 người.
Quy hoạch góp phần cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050; quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị Hòa Lạc thành đô thị mới hiện đại, đồng bộ hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật có vai trò giảm tải về chức năng và áp lực về dân số cho đô thị trung tâm; xác định phạm vi và quy mô các khu chức năng, các không gian kinh tế, văn hóa xã hội, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các huyện ngoại thành.
Đây là đô thị khoa học công nghệ, nơi tập trung trí tuệ và công nghệ tiên tiến, trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đô thị nghỉ dưỡng, sinh thái, tiết kiệm năng lượng. Chức năng chính của đô thị Hòa Lạc là Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao của cả nước; Trung tâm Đại học quốc gia và cao đẳng dạy nghề khác; Trung tâm y tế khám, chữa bệnh, điều dưỡng.
Định hướng quy hoạch tổ chức không gian được phân chia thành hai vùng đặc trưng là “Vùng phát triển đô thị” và “Vùng vành đai xanh” xung quanh khu vực đô thị.
Cụ thể, Vùng phát triển đô thị gồm khu công nghệ cao Hòa Lạc, khu Đại học quốc gia Hà Nội và khu đô thị mới, được phân chia và xác định bởi tuyến đường Đại lộ Thăng Long, tuyến cao tốc Hòa Lạc-Hòa Bình, quốc lộ 21, đường Hồ Chí Minh; khu vực phía Bắc Đại lộ Thăng Long bao gồm chủ yếu hai dự án đang được triển khai xây dựng theo quy hoạch là khu Công nghệ Hòa Lạc và khu Đại học quốc gia Hà Nội.
Vùng vành đai xanh là vùng bao quanh của vùng nội thị, được phân định theo các tuyến đường vành đai của đô thị (đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tránh, đường vành đai đô thị) và các chức năng sử dụng đất đặc thù (vùng nông nghiệp, lâm nghiệp, đất quân sự), bao gồm khu vực nông nghiệp phía Tây sông Tích, khu sinh thái rừng núi Viên Nam, khu vực đệm xanh sân bay Hòa Lạc gắn với hồ Đồng Mô và rừng Quốc gia Ba Vì.