Việc thiếu hụt nguồn cung quỹ đất là một trong những thách thức lớn đối với bất động sản TP.HCM trong năm 2019 Ảnh: Ngô Ngãi |
Thách thức trước tiên là thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, thiếu hụt nguồn cung dự án phân khúc nhà ở trung cấp, phân khúc nhà ở bình dân và thiếu hụt nguồn cung căn hộ vừa túi tiền có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn.
Trong khi đó, phân khúc nhà ở cao cấp đang có dấu hiệu thừa cung, phải đối diện với nhiều thách thức. Sự cạnh tranh ở phân khúc căn hộ cao cấp sẽ rất khốc liệt, do vậy các chủ đầu tư cần phải tính toán cơ cấu lại sản phẩm và lộ trình, tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường.
Thách thức tiếp theo đó là dự kiến tăng trưởng tín dụng năm 2019 - 2020 chỉ vào khoảng trên dưới 16%/năm, đi đôi với việc các ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng không quá 40% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn nên các doanh nghiệp bất động sản ngày càng khó tiếp cận nguồn vốn này.
Một thách thức khác là phân khúc condotel sẽ tiếp tục xu thế chững lại. Dự kiến sẽ có các quy phạm pháp luật để điều chỉnh các loại hình bất động sản mới như condotel, hometel, officetel, serviced apartment, shophouse. Tuy nhiên, theo nhiều chủ đầu tư bất động sản, những tác động của các chính sách nếu có vẫn chưa xác định được là sẽ diễn ra theo chiều hướng nào.
Vẫn theo HoREA, nguồn cung quỹ đất dự án thông qua việc chủ đầu tư bồi thường giải phóng mặt bằng dự báo trong năm 2019 tiếp tục gặp khó khăn.
Cho nên, nguồn cung thông qua kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng 26.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có khoảng 2.200 ha đất ở; kế hoạch đấu thầu 127 dự án hạ tầng, đô thị của thành phố, và kế hoạch của VAMC thực hiện Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, đang được thị trường đặt nhiều kỳ vọng.
Trong đó, nhiều khoản nợ bảo đảm bằng dự án bất động sản được đấu giá thời gian tới, sẽ giúp thúc đẩy thị trường mua bán chuyển nhượng dự án phát triển mạnh hơn.
Riêng đối với các dự án căn hộ cao cấp tại khu trung tâm Thành phố đang có khả năng được hưởng lợi thế "độc quyền", vì Thành phố đã quyết định không chấp thuận thêm dự án chung cư cao tầng từ nay đến năm 2020 theo Kế hoạch phát triển nhà ở TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020.
Về vấn đề này, HoREA đề nghị Thành phố không cấm hẳn mà cần chọn lọc kỹ dự án của nhà đầu tư có năng lực, có giải pháp góp phần xử lý vấn đề kẹt xe, ngập nước, quá tải hạ tầng đô thị.
Ngoài những vấn đề nêu trên, theo HoREA, trong năm 2019, phân khúc nhà ở bình dân, có giá vừa túi tiền và phân khúc nhà ở trung cấp vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, phát triển bền vững và có tính thanh khoản cao nhất.
Đặc biệt, giá cả của phân khúc đất nền tự phát, đất nông nghiệp phân lô trái phép sẽ trở về giá trị thực và các khu vực bị phân lô trái phép sẽ được rà soát, chấn chỉnh theo quy định của pháp luật.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng, khó có thể xảy ra "bong bóng" bất động sản trong năm 2019. Bởi, các cơ quan nhà nước đã có nhiều kinh nghiệm về việc sử dụng kịp thời, hiệu quả công cụ về thuế; tín dụng; công cụ về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chủ trương đầu tư dự án để điều tiết hiệu quả thị trường bất động sản ngay khi vừa xuất hiện dấu hiệu "bong bóng".
Mặt khác, các doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng thương mại, các nhà đầu tư và người tiêu dùng đều đã trải nghiệm và có giải pháp ứng xử phù hợp.
Ở nước ta nói chung và TP.HCM nói riêng, cần quan tâm các dự án bất động sản được kết nối giao thông thuận tiện, xung quanh các ga metro, trong các khu đô thị mới, trong các dự án chỉnh trang đô thị, trong các khu vực ngoại ô đón đầu các dự án đô thị vệ tinh...
"Vị trí, vị trí và vị trí" là nhân tố hàng đầu quyết định giá trị bất động sản. Điều này vẫn còn đúng với thị trường bất động sản Việt Nam trong vài thập kỷ tới. Do vậy, việc lựa chọn vị trí bất động sản là yếu tố hàng đầu quyết định giá trị gia tăng của bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.