Lãi suất điều hành giảm sẽ giúp các ngân hàng giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế. Ảnh: Tường Lâm |
Ngay sau quyết định của NHNN, hàng loạt ngân hàng đã công bố biểu lãi suất huy động mới, áp dụng từ ngày 13/5. Cụ thể, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hiện phổ biến ở mức 0,1 - 0,2% thay cho mức 0,3 - 0,5% trước đây. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 3 - 5 tháng phổ biến ở mức 3,95% thay cho mức trên 4% trước đây. Lãi suất tiền gửi từ 6 tháng trở lên vẫn hầu như không đổi, phổ biến ở mức 4,9% - 8%.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, lãi suất được điều chỉnh trên cơ sở đánh giá diễn biến thị trường quốc tế, nhiều ngân hàng trung ương đã thực thi các biện pháp nới lỏng định lượng, cắt giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua suy thoái. Trong nước, nền tảng kinh tế vĩ mô tiếp tục tạo dư địa điều hành chính sách tiền tệ cho NHNN trong bối cảnh thị trường tiền tệ và ngoại hối ổn định, lạm phát có khả năng được kiểm soát theo mục tiêu, tăng trưởng kinh tế bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Quyết định giảm đồng bộ các mức lãi suất của NHNN sẽ tạo điều kiện cho các TCTD giảm lãi suất cho vay một cách bền vững thời gian tới, góp phần tích cực giảm bớt khó khăn cho nền kinh tế.
Về định hướng điều hành trong thời gian tới, theo ông Phạm Thanh Hà, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường trong và ngoài nước, kết quả triển khai các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất. Trên cơ sở đó, chủ động, linh hoạt thực hiện các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, bảo đảm thanh khoản, an toàn hoạt động của hệ thống TCTD, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, việc giảm lãi suất sẽ tạo môi trường chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, giúp các TCTD tiếp tục có điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tiếp cận nguồn vốn rẻ thông qua hạ lãi suất cho vay và giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Từ đó, có thể đưa hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, song song với kiềm chế lạm phát.
Về lãi suất cho vay, theo ông Nguyễn Đức Độ, thực hiện chủ trương của Chính phủ nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay từ 1 - 2% trong thời gian qua và khó có thể tiếp tục giảm nhiều trong thời gian tới bởi biên lợi nhuận của các ngân hàng hiện đang ở mức thấp. “Khi cung tiền trên thị trường liên ngân hàng dồi dào, nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp ở mức không cao thì các ngân hàng có thể tiếp tục giảm lãi suất nhưng mức giảm không đáng kể”, ông Độ nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, mức độ giảm lãi suất cho vay có thể từ 0,5% - 1,5% tùy thuộc vào từng ngân hàng. Với các ngân hàng lớn, có tiềm lực tài chính dồi dào, việc giảm lãi suất có thể thực hiện ngay sau quyết định giảm lãi suất của NHNN, trong khi đó, các ngân hàng nhỏ, đặc biệt là các ngân hàng đang phải gánh nợ xấu ở mức cao, thì việc giảm lãi suất sẽ cần độ trễ nhất định.
Ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để tiếp tục kéo giảm mặt bằng lãi suất nhưng điều này còn tùy thuộc vào diễn biến lạm phát. Nếu có thể kiềm chế lạm phát xuống dưới 3% trong năm nay thì trong khoảng thời gian từ nay tới hết năm, vẫn còn cơ hội cho một đợt giảm lãi suất điều hành nữa.