Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một lần gặp. |
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong 2018 tăng lên mức cao nhất 10 năm, trái ngược với lời hứa giảm thâm hụt của Tổng thống Donald Trump.
Theo giới phân tích, chương trình giảm thuế của ông Trump được cho là một nguyên nhân quan trọng đẩy nhu cầu hàng nhập khẩu tăng, trong khi đồng USD mạnh và thuế quan trả đũa nhằm vào hàng Mỹ gây sức ép giảm xuất khẩu.
Hãng tin Bloomberg dẫn số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 6/3 cho thấy thâm hụt thương mại và hàng hóa dịch vụ của nước này trong 2018 là 621 tỷ USD, tăng 68,8 tỷ USD, tương đương tăng 12,5%, so với năm 2017.
Đây là mức thâm hụt thương mại cao nhất của Mỹ kể từ năm 2008.
Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc - mục tiêu chính trong chiến tranh thương mại của ông Trump - lập kỷ lục 419,2 tỷ USD. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 34 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại của Mỹ trong 2018 tương đương 3% tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này, tăng so với mức 2,8% trong 2017. Tuy nhiên, tỷ lệ thâm hụt như vậy vẫn thấp hơn nhiều so với trong thời gian một thập kỷ trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế. Trong thời gian đó, tỷ lệ thâm hụt thương mại Mỹ so với GDP lên tới gần 6%.
Nếu chỉ tính thương mại hàng hóa, thì mức thâm hụt của Mỹ với phần còn lại của thế giới trong 2018 là 891,3 tỷ USD, cao chưa từng thấy. Tuy nhiên, thặng dư thương mại dịch vụ của Mỹ tiếp tục tăng, đạt kỷ lục 270,2 tỷ USD.
Tính cả năm, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tăng 6,3%, đạt 2,5 nghìn tỷ USD, nhờ xuất khẩu các mặt hàng như dầu thô, hóa dầu và động cơ máy bay tăng mạnh. Nhập khẩu tăng 7,5%, đạt 3,12 nghìn tỷ USD.