Những container hàng hóa đang được dỡ khỏi tàu tại một bến cảng ở Miami, Mỹ - Ảnh: Reuters. |
Thâm hụt thương mại tháng 10 của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong 10 năm do xuất khẩu đậu tương sụt giảm và nhập khẩu hàng tiêu dùng cao chưa từng thấy.
Đây được xem như một dấu hiệu cho thấy biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại chưa mang lại kết quả.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 10 tăng 1,7%, lên 55,5 tỷ USD, mức cao nhất kể từ tháng 10/2008.
Đây là tháng thứ 5 liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng. Trước đó, trong tháng 9, cán cân thương mại của nền kinh tế lớn nhất thế giới thâm hụt 54 tỷ USD.
Thâm hụt thương mại hàng hóa trong tháng 10 của Mỹ với Trung Quốc - nước đang ở trong cuộc chiến thương mại căng thẳng với Mỹ - tăng 7,1%, lên mức kỷ lục 43,1 tỷ USD.
Ngoài việc áp thuế quan bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, Chính phủ Mỹ năm nay còn tăng thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Trong tháng 10, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Mỹ giảm 0,1%, còn 211 tỷ USD. Xuất khẩu đậu tương - mặt hàng bị Trung Quốc áp thuế quan trả đũa 25%, giảm 0,8 tỷ USD. Tuy nhiên, xuất khẩu xăng dầu và hàng tiêu dùng đạt mức kỷ lục.
Nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tháng 10 của Mỹ tăng 0,2%, đạt 266,5 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu hàng tiêu dùng tăng 2 tỷ USD, đạt mức kỷ lục 57,4 tỷ USD.
Trong quý 3, thâm hụt thương mại lấy đi 1,91 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP của Mỹ.
Quý 4 này, kinh tế Mỹ được dự báo tăng trưởng khoảng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, so với mức tăng 3,5% đạt được trong quý 3.